Đầu tư y tế cơ sở: Kéo người dân về trạm xá

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/7, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) Bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến y tế cơ sở (YTCS). Các đại biểu đều thống nhất cần tập trung đầu tư cho YTCS để thu hút người dân và tăng tỷ lệ tham gia BHYT.

Nghịch lý
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, YTCS là tuyến y tế gần dân nhất, đảm bảo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban đầu ngay tại địa phương. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, mặc dù hệ thống mạng lưới YTCS ở nước ta được đánh giá cao khi phân cấp xuống tận xã, phường, thậm chí y tế thôn bản, nhưng người dân còn chưa đặt niềm tin khi đến KCB tại các trạm y tế (TYT). Nguyên nhân vì năng lực cán bộ y tế tại tuyến này còn hạn chế, danh mục thuốc BHYT ít, mức chi của quỹ BHYT còn thấp. Bộ trưởng đưa ra một nghịch lý, tỷ lệ KCB tại tuyến T.Ư và tỉnh TP chỉ 28,3%, nhưng tỷ lệ chi từ quỹ KCB BHYT tới 67,3%. Trong khi đó, tỷ lệ KCB tại huyện là 51,4% thì tỷ lệ chi chỉ 29,8%. Tại tuyến xã, tỷ lệ KCB chiếm gần 20% nhưng tỷ lệ chi cũng chỉ 2,7%. Đặc biệt, kể từ khi thông tuyến KCB đến tuyến huyện, tỷ lệ KCB tại TYT giảm đi mạnh (năm 2014 đạt 28,3% - 6 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 18,5%).
 Khám cho bệnh nhân tại trạm y tế xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) - Ảnh: Đức Vân
Thực tế, quỹ KCB BHYT giao cho TYT hiện nay thấp (không quá 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú – quy định tại Thông tư 41/2014/TT-BYT-BTC) không đủ để chi cho KCB BHYT dẫn đến một số loại bệnh TYT xã có khả năng điều trị, cấp thuốc, nhưng phải chuyển lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải ở tuyến trên, tốn kém chi phí và không thuận lợi cho người bệnh, nhất là người cao tuổi mắc bệnh không lây nhiễm. Quy định này làm hạn chế phạm vi và phát triển chuyên môn kỹ thuật của trạm y tế xã.

Được đặt kỳ vọng là nơi “đi trước, đón đầu” trong CSSK ban đầu cho Nhân dân và quản lý các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng, song tình trạng khám, kê đơn cấp thuốc tại các TYT còn nhiều bất cập. Phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc chia sẻ, nhiều TYT thiết bị cũ, hỏng nhiều và thiếu các thiết bị phục vụ KCB ban đầu, tình trạng đầu tháng có thuốc, cuối tháng hết thuốc thường xuyên xảy ra, thậm chí qua kiểm tra có TYT bệnh nhân đã tử vong từ 2 năm trước, nhưng vẫn đều đặn được cấp thuốc trong sổ. Tại Hà Nội, mặc dù 100% TYT đã lồng ghép hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản nhưng vẫn còn tới 14% TYT chưa có bác sĩ.

Phân cấp chức năng rõ ràng

Trước tình trạng nguồn kinh phí chi cho CSSK ban đầu của người dân tại tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện Bộ Y tế đã xin Chính phủ tăng thuê các mặt hàng đặc biệt như rượu bia, thuốc lá và sử dụng phần tăng này chi cho y tế cơ sở để CSSK ban đầu. Đồng thời, Bộ Y tế đã chuẩn bị 2 dự án ODA để đầu tư trang thiết bị y tế cho các TYT với khu khám bệnh riêng, góc truyền thông riêng, phòng thủ thuật, phòng lưu thuốc, phòng lưu bệnh nhân để người dân khi có các bệnh thông thường như táo bón, tiêu chảy, đau đầu có thể đến ngay TYT.

Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đề nghị, cần tăng cường đưa bác sĩ về y tế cơ sở. “Cơ sở nào làm tốt thì mạnh dạn phân cấp. Khi đã phân cấp phải có cơ sở chế độ hỗ trợ đồng bộ. Ví dụ, nếu một dịch vụ kĩ thuật nào đó mà tuyến xã làm được thì không thanh toán ở tuyến huyện. Đồng thời kết quả này phải được liên thông lên tuyến tỉnh, tuyến T.Ư để lên đó không phải làm lại lần nữa. Ngoài ra, có thể hạn chế KCB thông thường tại tuyến tỉnh, T.Ư bằng cách tăng mức đồng chi trả của người bệnh tại các tuyến này hoặc giảm mức thanh toán KCB BHYT đối với các bệnh viện tuyến trên khi KCB thông thường” – Giám đốc BHXH Việt Nam gợi ý.

Về vấn đề nhân lực, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh công tác đào tạo bác sĩ gia đình, luân chuyển bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới để “kéo” các bệnh thông thường về tuyến xã và người dân không phải đi xa khi có bệnh. Bộ trưởng cho biết, trong tuần tới, 26 TYT điểm trên địa bàn Hà Nội đã được lựa chọn thí điểm mô hình tăng cường năng lực YTCS sẽ được các bác sĩ bệnh viện T.Ư về khám các bệnh không lây nhiễm cho người dân trên địa bàn. 26 TYT này được chính Bộ trưởng và các Thứ trưởng trực tiếp quản lý công tác thực hiện thí điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần