Day dứt chưa nguôi

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng hành động Vì trẻ em cấp quốc gia 2018 vừa phát đi với thông điệp "Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số". Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm nay cũng đã đến trong sự háo hức của trẻ nhỏ và tâm niệm dành niềm vui cho con trẻ của người lớn. Thế nhưng ẩn đâu đó trong góc lòng, vẫn thấy một nỗi niềm day dứt chưa nguôi...

 Ảnh: Vân Hằng
Chuyện bé sơ sinh bị chôn sống cách đây vài ngày ở Bình Thuận khiến nhiều người không khỏi xót xa. Rồi liên tiếp những vụ bạo hành thậm chí xâm hại trẻ xảy ra thời gian qua ở một số tỉnh thành, rồi cha mẹ đánh đập, hành hạ con. Ngay cả trong môi trường giáo dục, trẻ cũng bị bạo hành bằng hành vi thiếu nhân tính... 
Mỗi một vụ việc xảy ra, dư luận không tiếc lời chê trách, nhiếc móc mẹ của những đứa trẻ, lên án và kết tội những người bạo hành trẻ... Việc làm đó không sai, thậm chí rất cần thiết để thay cho một hồi còi gióng giả báo động tình trạng bạo hành trẻ. Thế nhưng, vụ việc này nối tiếp vụ việc kia, cho đến tận giờ, vấn đề bảo vệ trẻ em vẫn cứ là một một dấu hỏi lơ lửng trước các cơ quan quản lý, các đơn vị có chức năng trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Bởi mỗi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng luôn ở thế "người biết sau", rồi "chờ báo cáo", rồi chạy theo xử lý vụ việc theo kiểu "chữa cháy".
Nguồn cơn của sự việc được phơi bày, rồi cũng... để đấy. Vì biện pháp bảo vệ trẻ khỏi tình trạng bạo hành, ngược đãi... vẫn cứ là một câu hỏi chưa có câu trả lời. Khi trẻ bị bạo hành vẫn không biết phải “gõ cửa” nào để được bảo vệ bởi tình trạng “đá bóng” trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

Luật về Quyền trẻ em quy định, trẻ được quyền hưởng sự dạy dỗ, chăm sóc của cha mẹ. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em năm 1990. Việt Nam cũng có đến 17 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em. Nhưng theo thống kê, trung bình mỗi năm cả nước vẫn có trên 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em.
Hậu quả của việc trẻ bị bạo hành không chỉ là sức khỏe, mà lớn hơn là sự tổn thương tinh thần, trí tuệ, sự phát triển toàn diện của trẻ. Xa hơn là sự ảnh hưởng đến tương lai của gia đình và toàn xã hội. Thế nên, vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em cần phải được quan tâm của cộng đồng, mà trước hết là chính quyền các cấp và không chỉ thể hiện vào mỗi dịp 1/6 mà phải thường xuyên, liên tục, vì “trẻ em như búp trên cành”, là tương lai của đất nước.