Dạy, học trực tuyến: Không thể một sớm, một chiều

Nguyễn Bùi Tam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia giáo dục, dù mô hình học trực tuyến là một bước tiến bộ trong giáo dục, nhưng để hoạt động này hiệu quả phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ, quy củ và trả lời được hàng loạt câu hỏi liên quan.

Giáo viên trường THCS Thái Thịnh trong một buổi ghi hình bài giảng trực tuyến. Ảnh: Hồ Giáp
Giao công nghệ cho con, bố mẹ có yên tâm đi làm?
Đây là câu hỏi được bà Nguyễn Thị Vân Hồng – Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đặt ra. Theo bà Hồng, việc triển khai mô hình học, ôn tập trực tuyến cần chuẩn bị rất nhiều tiêu chí. Trước hết, học trực tuyến được hiểu áp dụng công nghệ vào đào tạo. Như vậy, khi nhà trường triển khai việc dạy học bằng công nghệ đến các học sinh, câu hỏi đặt ra, học sinh đã thật sự là người làm chủ được công nghệ hay chưa? Trong khi đó, phụ huynh không thể học hay ôn tập cùng con. Họ phải đến công sở, nhà máy làm việc, giao phó cho con laptop, máy tính bảng hay điện thoại thông minh để con học online. “Nhiều gia đình, cha mẹ đã khoá những từ nhạy cảm để tránh con cái họ tiếp xúc các trang web đen. Tuy vậy, không thể kiểm soát được triệt để vấn đề này nếu không túc trực ngay cạnh con” – bà Nguyễn Thị Vân Hồng đưa giả thiết.
Ngoài ra, theo hiệu trưởng trường THCS Chương Dương, với đối tượng là sinh viên, có thể tự giác học tập. Nhưng, với lứa tuổi THCS, kể cả THPT, chưa thể dám chắc các con tuân thủ kỷ luật học tập trong các lớp học online. “Có thực tế, nhiều em ôm laptop ra sopha vừa ăn vừa học, có em thì mở máy ngay tại giường ngủ. Có thể vừa học, các em vừa chát riêng với nhau...” – bà Hồng chia sẻ.
Tương tác chưa hiệu quả
Trao đổi về các bài giảng trực tuyến, chị Nguyễn Thị Diệp (ở quận Cầu Giấy, có con học lớp 7) than phiền: “Bố mẹ đi làm cả ngày, tối về lẽ ra nghỉ ngơi nhưng do lượng bài vở giáo viên giao nhiều, lại nhiều môn dồn lại nên bố mẹ lại phải ngồi vào bàn động viên, học cùng con”. Theo phân tích của chị Diệp, hiện việc cân đối lượng bài, tiết học cũng như các môn học chưa hợp lý. Một buổi tối, các con thường phải làm bài quá nhiều, tưởng nhàn nhưng lại thành quá tải.
Chia sẻ về việc dạy, học trực tuyến, chị Nga Vũ (quận Đống Đa, phụ huynh học sinh lớp 8) phân tích, có một vấn đề hiện nay chính là nội dung đào tạo còn “vênh” giữa hệ thống các nhà trường. Trong đợt nghỉ, nhiều trường tư rất sát sao về việc triển khai các lớp học online. Đơn cử, trường THCS Nguyễn Tất Thành - là trường công tự chủ tài chính (quận Cầu Giấy), việc tương tác giữa thầy cô và học sinh khá tốt. Trong những tiết sinh hoạt lớp, thầy cô nhận xét, đánh giá kỹ việc học của các em, đưa ra giải pháp cho những em điểm kém hoặc còn sao nhãng việc học. Có lớp, thầy cô đề nghị bật camera để theo dõi học sinh sát sao hơn. Còn ở các trường công, phần lớn là giao bài tập về nhà để học sinh ôn tập và củng cố kiến thức, không gây sức ép về điểm số. Như vậy, vô hình chung tạo ra 2 lứa học sinh rất khác nhau về phương pháp tư duy hay tiếp cận, giải quyết một vấn đề nào đó.
Thầy Phạm Thiên Long (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, hầu hết các trường học đang trong quá trình thử nghiệm, giáo viên chưa nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai dạy học online, do vậy, tính hiệu quả không cao. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng theo đánh giá của thầy Long, học sinh phần lớn chưa đạt mức thông hiểu kiến thức cơ bản. Như vậy, sau khi trở lại học chính, các nhà trường sẽ phải cho học lại hết để kéo về trạng thái chung.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Ngọc Anh – Hiệu trưởng trường THCS Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho rằng, muốn triển khai tốt việc dạy, học trực tuyến phụ thuộc vào rất nhiều tiêu chí, trong đó, giáo viên là nòng cốt. Điều đầu tiên, các nhà trường, giáo viên phải thật sự là những người tâm huyết, tạo ra sức hấp dẫn, sức hút thì sẽ không có học sinh nào muốn rời chiếc laptop hay máy tính bảng.
Việc áp dụng đại trà mô hình dạy, học trực tuyến không thể một sớm một chiều. Cần có sự chuẩn bị kỹ của 3, 4 nhà. Từ nhà mạng, với hạ tầng kết nối thông suốt. Nhà trường, với sự chuẩn bị tốt về kỹ năng sư phạm. Và với các gia đình, cần sự hợp tác, nhiệt huyết của cha mẹ học sinh và ý thức của từng học sinh khi triển khai các bài giảng.
Cô Nguyễn Thị Hồng Vân - Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương