Dạy học trực tuyến: Nên giảm tải các môn học phụ

Hà An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến của dịch bệnh kéo dài, ngành giáo dục đã tổ chức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên nhìn vào quá trình học và lịch học, nhiều ý kiến không khỏi băn khoăn về việc có nhất thiết phải học hết các môn học?

 Học sinh lớp 9 tại huyện Hoài Đức, Hà Nội ôn tập bài qua truyền hình. Ảnh: Phạm Hùng

Chưa hợp lý
Theo thông tin từ nhiều phụ huynh, thời khóa biểu của một lớp học khối 6 của trường THCS Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) ngoài các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ… thì các môn Mỹ thuật, Thể dục, Giáo dục công dân, Nhạc… cũng được đưa vào chương trình học online. Trong khi đó thời khóa biểu đối với học sinh lớp 2 của trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) thì có cả tiết dạy Tự nhiên xã hội, với thời lượng học tập khoảng 30 phút.
Mỗi lớp học online duy trì sĩ số khoảng 40 - 50 học sinh nhưng hầu như không bao giờ đủ học sinh, nhất là khối tiểu học. Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, dù dạy qua internet hay truyền hình thì giáo viên phải giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bài học. Học sinh phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó có những câu hỏi, bài tập, bài trình bày, báo cáo nhưng yêu cầu biết vận dụng kiến thức.
Theo dõi các lớp học online và thời gian biểu học tập của các em, nhiều phụ huynh cho rằng: Việc học sinh nghỉ học phòng tránh dịch Covid-19 phải chuyển sang học online, học qua truyền hình chỉ nên cố gắng duy trì ở các môn cung cấp kiến thức cơ bản, còn với các môn học khác, việc học online sẽ không hiệu quả vì thời gian ngắn. Ngoài ra, nhiều phụ huynh cũng phản ánh con vừa học hát nhạc vừa nghịch, cô giáo ra bài tập thủ công dựng mô hình sân khấu thì mẹ phải làm cho các con từ đầu đến cuối, sau đó chụp ảnh gửi lên Zalo để cô chấm điểm hoàn thành.
Có nhất thiết phải dạy đủ môn học?
Khi Quận Cầu Giấy chính thức triển khai cho học sinh toàn quận học trực tuyến bắt đầu từ ngày 30/3, nhiều phụ huynh đã thấy “choáng” khi các con phải học đủ 8 môn học như ở trên lớp. Theo bà Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy thì chủ trương của quận là dạy đủ các môn cho học sinh.
Thực tế, thời khóa biểu, số môn học của từng trường hiện nay do các nhà trường tự quyết định. Trong văn bản gửi các phòng giáo dục, các hiệu trưởng trường THPT ngày 17/3 của Sở GD&ĐT Hà Nội có nêu: Từng nhà trường chủ động lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện của trường mình.
Ông Lê Hồng Chung - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay: Sở GD&ĐT đã có cuộc họp trực tuyến với các phòng GD&ĐT trên địa bàn để triển khai cụ thể hơn các quy định về vấn đề day học và đánh giá bằng hình thức trực tuyến. Sở sẽ có câu trả lời cụ thể trong thời gian tới đối với các thắc mắc của phụ huynh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần