Hà Nội: Tìm giải pháp thay thế khoảng 55.000 bếp than tổ ong đang được sử dụng

Bài, ảnh: Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đời sống đã ngày càng được nâng cao nhưng không ít người dân Hà Nội vẫn giữ thói quen sử dụng bếp than tổ ong mà không lường hết được những tác hại từ loại bếp này.

 Mô hình thí điểm sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong tại phường Trúc Bạch đã thu hút sự tham gia, ủng hộ của đông đảo người dân trên địa bàn.
Kêu trời vì bếp than
Thực tế cho thấy, bếp than tổ ong hiện diện trên hầu khắp các tuyến phố của Hà Nội. Bà Trần Thu Lan, (khu tập thể Dệt mùng 8/3, Quỳnh Mai, Hai Hà Trưng) cho biết, mặc dù con cái có mua tặng bếp gas nhưng ông bà vẫn giữ thói quen dùng bếp than tổ ong. “Tôi dùng bếp than tổ ong quen rồi, hơn nữa tiết kiệm hơn dùng bếp gas. Nhất là lễ, Tết ninh nấu nhiều, dùng bếp than cho tiết kiệm” - bà Lan chia sẻ. Đồng quan điểm với bà Lan, anh Trần Minh Hải, chủ quán bia hơi phố Vĩnh Tuy cho rằng, nhà hàng đun nấu nhiều nên biết sử dụng bếp than tổ ong không tốt cho sức khỏe và môi trường nhưng chi phí hợp lý hơn.

Trái ngược với bà Lan, anh Hải, chị Thu Thảo (khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng) lại kêu trời vì bếp than tổ ong. Theo chị Thảo, gia đình chị mới tiết kiệm tiền mua được căn nhà tập thể nhưng xung quanh hàng xóm đều dùng bếp than khiến nhà chị ngày nào cũng phải “hưởng” mùi khí CO2 rất đáng sợ. Vợ chồng chị đành phải gửi con thêm giờ, về nhà muộn để không bị hít khí từ bếp than hàng xóm. “Nhưng Tết thì biết chạy đi đâu mãi được, đành phải chịu “hun khói” mà không biết phải làm sao” - chị Thảo than thở.

Theo các nghiên cứu khoa học, đun nấu bằng than tổ ong có thể gây ra những tác hại không nhỏ đến sức khỏe của người sử dụng và cộng đồng. Tỷ lệ người mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư thanh quản, viêm đường hô hấp và phổi đang có xu hướng tăng lên trong cộng đồng dân cư sử dụng bếp than tổ ong, bếp truyền thống. Ngoài ra, khi bị nhiễm độc khí than quá lâu sẽ dẫn đến ung thư, mất phản xạ ở võ não, phụ nữ có thai dễ bị sảy thai, sinh non, dị tật là rất cao. Tuy nhiên nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong còn hạn chế.

Giải pháp thay thế an toàn

Hà Nội hiện có khoảng 55.000 bếp than tổ ong đang được sử dụng trên địa bàn TP. Tỷ lệ số lượng bếp than tổ ong đang sử dụng tại các quận nội thành chiếm 63% (do tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, bán nước trên vỉa hè...), các huyện ngoại thành chỉ chiếm 37%. Theo tính toán của Sở TN&MT, trung bình Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than/ngày, đồng thời sẽ phát thải 1.870 tấn khí CO2 tương đương vào bầu không khí.

Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, nơi tập trung số lượng bếp than tổ ong nhiều nhất trong nội thành là quận Ba Đình, Đống Đa và Long Biên, các huyện ngoại thành có Gia Lâm và huyện Sóc Sơn. Thực hiện mục tiêu giảm 70% số lượng bếp than tổ ong tại Hà Nội trong năm 2018, tiến tới không sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn TP đến năm 2020, Sở TN&MT Hà Nội đang tiến hành phối hợp cùng các đơn vị có liên quan, tiếp tục triển khai mô hình thí điểm thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến, thân thiện với môi trường tại một số phường trên địa bàn quận Ba Đình và Hoàn Kiếm. Kết quả triển khai mô hình thí điểm này sẽ là căn cứ để tổ chức nhân rộng các giải pháp thay thế bếp than tổ ong trên toàn địa bàn TP.

Để khuyến khích người dân thay đổi thói quen cũ, lựa chọn các loại bếp cải tiến dùng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, trong 1 tháng đầu của chương trình, người dân được mượn bếp dùng thử để trải nghiệm bếp mới trước khi mua. Trong thời gian từ tháng 2 – 4/2018, người dân mua bếp và nhiên liệu sẽ được hưởng mức giá ưu đãi (mức giá thấp hơn giá thị trường từ 30 - 40%).
“Ngày đầu tháng 2 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hội nghị triển khai mô hình thí điểm sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong tại phường Trúc Bạch. Chương trình đã thu hút sự tham gia và ủng hộ của đông đảo người dân trên địa bàn. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng” - ông Thái cho biết.

Được biết, các loại bếp được dùng trong chiến dịch dùng thử là Bếp Thế hệ xanh, Bếp Tre xanh. Các bếp này đã được Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) kiểm định chặt chẽ theo 3 tiêu chí: Khí thải, an toàn và hiệu quả nhiên liệu. Nhiên liệu sử dụng cho các bếp này đều đạt tiêu chuẩn quốc tế về độ sạch và hiệu suất nhiệt.
Chiều 6/2, đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Sở TN&MT Hà Nội với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) về việc thống nhất tham gia thực hiện nhiệm vụ thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến, thân thiện với môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, nhằm cải thiện chất lượng không khí và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô. Thỏa thuận hợp tác này có hiệu lực kể từ ngày ký kết và có giá trị đến ngày 31/12/2018 khi dự án “Thúc đẩy thị trường bền vững cho bếp sạch ở tiểu vùng sông Mê-kong” của SNV kết thúc.