Đẩy mạnh an toàn vệ sinh lao động tại Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay Việt Nam đang có sự gia tăng về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự ô nhiễm môi trường.

Ngày 12/6, tại Hà Nội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội thảo quốc gia về “Đẩy mạnh An toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao tại Việt Nam.”

Theo Bộ  Lao động-Thương binh và Xã hội, sau khi thực hiện thành công dự án giai đoạn 1 về “Hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về An toàn vệ sinh lao động ở Việt Nam” giai đoạn 2009-2011, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ thực hiện dự án “An toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao ở Việt Nam.”

Mục tiêu tổng thể của dự án là đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động tại Việt Nam thông qua thực hiện hiệu quả khung chính sách trong các ngành có nguy cơ cao (xây dựng, khai khoáng và hóa chất) và hỗ trợ nhóm lao động dễ bị tổn thương nhằm bảo đảm thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động một cách bền vững.

Trong ba năm thực hiện (2012-2014), dự án sẽ tập trung vào hai mục tiêu nâng cao việc thực thi các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động trong những ngành có nguy cơ cao trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động lần thứ hai; hạn chế, phòng ngừa những mối nguy cơ và độc hại do amiăng và các hóa chất khác gây ra đối với sức khoẻ của người lao động.

Đối tượng thụ hưởng của dự án sẽ là những người làm công tác an toàn vệ sinh lao động, người lao động, người sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực kinh tế phi chính thức và nông thôn tại năm tỉnh, thành phố là Bắc Kạn, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Đồng Nai.

Cùng với việc tiếp tục triển khai dự án trên, theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần bố trí nguồn lực triển khai tốt chương trình này. Chính phủ sẽ chỉ đạo sớm hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, trọng tâm là xây dựng Luật An toàn vệ sinh lao động ở Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cả cộng đồng, doanh nghiệp và người lao động về công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay Việt Nam đang có sự gia tăng về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự ô nhiễm môi trường. Năm 2011, cả nước xảy ra gần 6.000 vụ tai nạn lao động làm 6.154 người bị nạn, trong đó có 574 người chết, 1.314 người bị thương nặng, tăng 16% so với năm 2010. Các ngành xây dựng, khai khoáng và hóa chất là ba ngành có tỷ lệ tai nạn lao động cao nhất. Trong 5 năm gần đây (từ 2005-2009) số vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng chiếm tỷ lệ 36%, trong khai thác khoáng sản chiếm gần 20% tổng số các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Người lao động còn có nguy cơ mắc các bệnh phổi nghề nghiệp, ung thư phổi. khi làm việc tại môi trường bị ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với bụi, hoá chất độc hại

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có rất nhiều vụ tai nạn lao động chết người xảy ra của các ngành tập trung vào các cơ sở chưa có tổ chức công đoàn. Điển hình vụ tai nạn gần đây nhất xảy ra vào ngày 21/5 tại mỏ đá Trại Sơn B và C thuộc huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) làm chết chín người, bị thương bốn người. Tất cả các nạn nhân đều là lao động theo hợp đồng thời vụ của các doanh nghiệp và không là đoàn viên công đoàn.

Theo đánh giá của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn đến sự cố thuộc hệ thống quản lý kỹ thuật chiếm 20%, hệ thống điều hành sản xuất chiếm 35% và vi phạm của người lao động chiếm 45%./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần