Quảng bá du lịch Thủ đô ra quốc tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Thủ đô đã tăng trưởng đột phá, kết quả này có sự đóng góp quan trọng của hoạt động xúc tiến du lịch tới thị trường quốc tế.

Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Bùi Duy Quang khi nói về những thành công bước đầu của hoạt động xúc tiến du lịch thời gian qua.

Tạo điểm đến ấn tượng

Số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, tháng 10/2017, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 392.000 lượt, tăng 25% so với cùng kỳ 2016. Như vậy, từ đầu năm đến nay Hà Nội đã đón 3.990.188 lượt khách du lịch quốc tế, tăng 26%. Tổng doanh thu đạt 58.653 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016.

Doanh nghiệp du lịch Hà Nội quảng bá tour du lịch Thủ đô tại Hội chợ du lịch quốc tế Anh (Chương trình do HPA tổ chức). Ảnh: Lê Nam

Để đạt được con số ấn tượng này, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, trong sạch môi trường kinh doanh du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch đã đóng góp một phần không nhỏ. Từ tháng 9/2017 đến nay, với chủ đề “Hà Nội - điểm đến du lịch hấp dẫn”, HPA và DN du lịch đã liên tục quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô tới các thị trường trọng điểm như Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Qua đó, giới thiệu tới du khách quốc tế sản phẩm tour, tuyến đặc trưng của Hà Nội như du lịch văn hóa - di sản, sinh thái - nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí, du lịch MICE (hội nghị - hội thảo). Đồng thời HPA giới thiệu đến thị trường du lịch quốc tế sản phẩm làng nghề Hà Nội như gốm sứ, đồ gỗ, lụa… Thông qua hoạt động này xây dựng hình ảnh du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng đối với du khách quốc tế.

Đại diện Công ty Du lịch Fiditour cho biết: Việc HPA tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế không chỉ được bạn bè quốc tế quan tâm mà còn tạo cơ cơ hội cho DN du lịch gặp gỡ gần 500 đối tác quốc tế, ký kết được 20 hợp đồng, đón gần 2.000 khách quốc tế đến Hà Nội trong những tháng cuối năm 2017 và quý I/2018.

Xã hội hóa công tác xúc tiến

Mặc dù HPA đã đẩy mạnh xúc tiến du lịch, song khó khăn hiện nay là kinh phí dành cho hoạt động này còn quá khiêm tốn, chỉ bằng 2,9% Thái Lan, 1,5% Singapore và 1,9% của Malaysia. Để khắc phục khó khăn này, nhiều DN du lịch cho rằng, kinh phí phục vụ hoạt động xúc tiến du lịch không nên chỉ dùng nguồn ngân sách mà cần xã hội hóa.

DN du lịch lữ hành, khách sạn sau khi tham gia hội chợ du lịch quốc tế do HPA tổ chức đều có chung phản ánh: Hội chợ du lịch quốc tế là nơi tụ hội của nhiều DN du lịch lớn trên thế giới tham gia quảng bá cho hình ảnh đất nước họ nên quy mô gian hàng khá lớn. Trong khi đó, do kinh phí xúc tiến hạn hẹp nên diện tích gian hàng Hà Nội chỉ bằng 50% gian hàng quốc tế, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động quảng bá giao dịch ký kết hợp đồng du lịch với DN quốc tế.

Giám đốc Kinh doanh khách sạn Sunway Nguyễn Bích Dung nêu ý kiến: Từ năm 2013 đến nay, ngành du lịch Thủ đô xã hội hóa Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi, qua đó quảng bá du lịch Hà Nội đến với du khách quốc tế. Điều đó cho thấy việc xã hội hóa kinh phí xúc tiến du lịch không chỉ hỗ trợ du lịch Hà Nội quảng bá hình ảnh mà còn tạo cơ hội cho DN du lịch mở rộng thị trường.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc HPA Bùi Duy Quang cho biết: HPA và Sở Du lịch Hà Nội chủ động phối hợp với Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế trên địa bàn Hà Nội tổ chức giới thiệu quảng bá, hợp tác, khai thác thị trường, phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến với các DN quốc tế. “Dự kiến năm 2018, HPA huy động thêm nguồn xã hội hóa từ DN du lịch, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Đồng thời kêu gọi các tỉnh, thành cùng tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Nhật Bản, Pháp, châu Âu để mở rộng, nâng cao chất lượng, quy mô hiệu quả hoạt động của gian hàng” - ông Bùi Duy Quang cho biết.

Từ năm 2016, Hà Nội đẩy mạnh xã hội hóa kinh phí xúc tiến du lịch qua đó hiện thực hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”.