Đẩy mạnh tự động hóa, phát triển thương mại qua biên giới

Trung Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tự động hóa giao dịch đã giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, tăng thêm tiện ích cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Giao dịch mới này cũng đánh dấu nỗ lực của Agribank trong quá trình chuyển mình hội nhập với xu thế CMCN 4.0 và đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng.

 Khách hàng giao dịch tại Agribank, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Chuyển tiền thanh toán biên giới qua Internet banking

Đây là hệ thống do Agribank tự xây dựng và giữ bản quyền có tính bảo mật cao, ứng dụng công nghệ Internet với nền tảng bảo mật tiên tiến, kết nối với hệ thống IPCAS để hạch toán và xử lý tự động các giao dịch chuyển tiền đi, chuyển tiền đến. Việc cài đặt ứng dụng đơn giản, giao diện thân thiện, dễ sử dụng.

Từ năm 2015, Agribank đã xây dựng hệ thống thanh toán thương mại qua biên giới (CBPS) và bước đầu ứng dụng trong hoạt động thanh toán biên giới Việt - Lào. Chỉ trong năm đầu sau khi triển khai, doanh số thanh toán biên giới Việt - Lào tại Agribank đã tăng trưởng trên 120%.

Tiếp nối thành công, từ năm 2018, Agribank bắt đầu nghiên cứu, phát triển, nâng cấp hệ thống để ứng dụng trong hoạt động thanh toán biên giới Việt Nam - Trung Quốc với 7 chi nhánh đầu mối tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc… Agribank đã hoàn thành triển khai ứng dụng trên toàn hệ thống với doanh số chuyển tiền trong 4 tháng thí điểm đạt gần 1.800 tỷ VND và tiếp tục tăng trưởng từ 5 - 10% hàng tháng; đảm bảo các giao dịch chuyển tiền thanh toán trong nội địa đạt 100% xử lý tự động.

Việc triển khai thành CBPS đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong việc tự động hóa giao dịch chuyển tiền biên giới, hỗ trợ cho việc hạch toán và tác nghiệp của giao dịch viên được dễ dàng, nhanh chóng, chính xác. Mọi thông tin liên quan đến giao dịch (thông tin khách hàng, biểu phí, tỷ giá…) đều được minh bạch và lưu trữ tự động trên hệ thống. Đồng thời hỗ trợ cho công tác thống kê báo cáo cũng như công tác phòng, chống rửa tiền, quá trình giao dịch có sự phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan trong giao dịch, hạn chế rủi ro tác nghiệp.

Cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngoại hối

Không ngừng nghiên cứu và cải thiện các sản phẩm dịch vụ, Agribank hiện đang cung cấp 40 sản phẩm thanh toán quốc tế tới 160 quốc gia, trong đó, một số sản phẩm có tính năng vượt trội so với các ngân hàng khác. Điển hình là thanh toán biên giới, dịch vụ chuyển tiền trực tiếp đồng KRW (đơn vị tiền tệ của Hàn Quốc) sang Hàn Quốc, chuyển tiền Campuchia – Việt Nam…

Dịch vụ UPAS L/C của Agribank tăng mạnh về doanh số và phí thanh toán so với năm 2019. Cụ thể số giao dịch UPAS L/C thực hiện trong năm 2020 là 452 giao dịch (tăng 51% số món năm 2019) với tổng doanh số đạt 283 triệu USD, tăng 47% so với năm 2019.

Cùng việc hợp tác với các định chế tài chính lớn, Agribank luôn duy trì và phát triển mạng lưới ngân hàng đại lý đa dạng, an toàn; đồng thời tích cực trao đổi, làm việc với các đối tác, thắt chặt quan hệ, tìm kiếm cơ hội và nâng cao hiệu quả trong các lĩnh vực hợp tác. Đến 31/12/2020, số lượng ngân hàng đại lý của Agribank là 667 ngân hàng tại 82 quốc gia. Agribank cũng đang triển khai 25 dự án tín dụng quốc tế với tổng giá trị hơn 11.500 tỷ động. Tổng nguồn vốn Dự án đến 31/12/2020 đạt 6.183,9 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay từ nguồn vốn Dự án đạt 5.207 tỷ đồng.

Năm 2021 tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, mục tiêu của Agribank là tăng số lượng khách hàng pháp nhân có hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu tại Agribank; duy trì tăng trưởng thu phí dịch vụ Thanh toán quốc tế và lãi kinh doanh ngoại tệ, bên cạnh việc quản lý chặt chẽ và kiện toàn hoạt động thanh toán biên giới. Agribank sẽ rà soát, hoàn thiện và nghiên cứu phát triển sản phẩm kinh doanh ngoại hối đáp ứng mọi nhu cầu giao dịch của khách hàng, tăng cường hợp tác liên ngân hàng, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Agribank trên trường quốc tế.