Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tư pháp

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ông Tạ Thành Trung - Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Tư pháp), hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được triển khai toàn diện trong các lĩnh vực tư pháp như: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành như hệ thống thông tin về lý lịch tư pháp; CSDL quốc gia về thủ tục hành chính; CSDL về văn bản quy phạm pháp luật; cấp giấy khai sinh và số định danh cá nhân...

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tư pháp tập trung triển khai các hạng mục công việc như: Cung cấp đầy đủ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ hành chính tập trung của Bộ; Nâng cấp, hoàn thiện, sử dụng hiệu quả các phần mềm đã được xây dựng, triển khai tại các đơn vị thuộc Bộ trong giai đoạn 2011 - 2015; Đầu tư, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật CNTT truyền thông, đặc biệt là Trung tâm dữ liệu điện tử đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng CNTT trong ngành tư pháp; Tăng cường Hệ thống an toàn, bảo mật, lưu trữ, dự phòng đảm bảo an toàn cho các hệ thống ứng dụng được triển khai; Triển khai các nhiệm vụ của Dự án CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc...
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, ứng dụng CNTT là giải pháp căn bản để thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành tư pháp trong bối cảnh biên chế tiếp tục giảm, đòi hỏi phải cải cách thủ tục hành chính và giảm chi phí vận hành quản lý hành chính. Đồng thời, cần ưu tiên một số hoạt động trên các lĩnh vực Đăng ký hộ tịch; Thi hành án dân sự; phần mềm công khai hóa việc thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và quá trình xử lý, kiểm tra văn bản; đơn giản hóa, rút bớt giấy tờ hành chính. Ngoài ra, phải đưa tiêu chí ứng dụng CNTT làm tiêu chí thi đua và các đơn vị thuộc Bộ phải tích cực thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT đúng tiến độ đề ra.
            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần