Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đăng ký hộ tịch được ngành Tư pháp lựa chọn là giải pháp ưu tiên.
Bảo đảm quyền lợi cho trẻ emVừa qua, Bộ Tư pháp đã từng bước hoàn thiện và triển khai mở rộng phạm vi áp dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung, trong đó có phân hệ phần mềm đăng ký khai sinh (ĐKKS) – kết nối cấp số định danh cá nhân cho trẻ em. Đến nay, phần mềm ĐKKS được mở rộng và triển khai tại 18 tỉnh, TP; triển khai phần mềm đăng ký hộ tịch tại 16 tỉnh, TP; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch cho 8 tỉnh. Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã chủ động lồng ghép hoạt động kiểm tra, đánh giá tình hình, kết hợp hướng dẫn, xử lý vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện Luật Hộ tịch cùng với hoạt động khảo sát, đánh giá, hướng dẫn thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024.
|
Hà Nội đang xây dựng kế hoạch số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn TP (ảnh chụp tại bộ phận một cửa phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Ảnh: Thái San |
Theo đánh giá của đại diện Bộ Tư pháp, việc giải quyết vấn đề hộ tịch, quốc tịch bảo đảm quyền của trẻ em là “con lai” còn phát sinh nhiều vướng mắc, thông tin quốc tịch của trẻ chưa chính xác, thông tin về nhân thân của trẻ, cha mẹ trẻ, nơi sinh và việc nhập cảnh của trẻ không hợp lý, thông tin thống kê về trẻ trong cơ sở dữ liệu (CSDL) không khớp với số liệu địa phương báo cáo. Điều này gây khó khăn trong việc tổng hợp, phân loại nhóm trẻ và đưa ra đề xuất giải quyết với từng nhóm.
Để khắc phục kịp thời các tồn tại trên, đại diện Bộ Tư pháp cho biết tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án CSDL hộ tịch toàn quốc, hoàn thiện phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch dùng chung, mở rộng phạm vi áp dụng; tăng cường khảo sát, kiểm tra, thanh tra công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, đặc biệt tại cấp huyện và cấp xã. Ngoài ra, hoàn thiện CSDL về “con lai” theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng để địa phương chủ động cập nhật thông tin, đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm giải quyết việc xác định quốc tịch, ĐKKS, bảo đảm quyền lợi cho trẻ em.
Hà Nội số hóa dữ liệu hộ tịchTheo Sở Tư pháp Hà Nội, hiện nay, 100% đơn vị cấp xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai áp dụng phần mềm ĐKKS. Việc triển khai thực hiện áp dụng phần mềm ĐKKS và cấp số định danh cá nhân là một bước tiến mới trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, đăng ký hộ tịch mà bước đầu là công tác ĐKKS trên cả nước nói chung, và tại Hà Nội nói riêng. Việc này không những đảm bảo thi hành một cách đồng bộ Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân mà còn giúp các cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, ĐKKS có thể theo dõi được toàn bộ quá trình thực thi của các cơ quan trực tiếp thực hiện; đồng thời, có thể tra cứu chéo, không để xảy ra trường hợp một công dân được ĐKKS tại nhiều nơi. Đến nay, việc thực hiện áp dụng phần mềm trên địa bàn TP Hà Nội đã dần đi vào ổn định. Tình trạng sai sót khi nhập dữ liệu được hạn chế ở mức thấp nhất.
Hiện, Hà Nội đang xây dựng Kế hoạch số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn TP. Chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức Đoàn khảo sát sổ hộ tịch (bản giấy) hiện đang lưu giữ tại các quận, huyện, thị xã và tại kho lưu trữ của Sở (các sổ hộ tịch được lưu từ ngày 1/1/1919 đến 31/7/1956 và sổ hộ tịch có yếu tố nước ngoài). Qua khảo sát tại 16/30 quận, huyện, thị xã và 17 xã, phường, thị trấn đã thống kê được số lượng sổ hộ tịch hiện đang lưu trữ, số sổ mục, nát, hỏng, khó khăn cho việc khai thác để đánh giá tình trạng và xây dựng kế hoạch.