Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, thị trường xuất khẩu (XK) lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

 Các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam xuất sang Trung Quốc
Việt Nam hiện cũng là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 đạt 93,7 tỷ USD, tăng 30,2% so với năm 2016. Trong đó, Việt Nam XK sang Trung Quốc 35,5 tỷ USD với các mặt hàng chủ yếu gồm: Nông, lâm, thủy sản, nguyên nhiên liệu khoáng sản, hàng công nghiệp chế biến; nhập khẩu từ Trung Quốc 58,2 tỷ USD, chủ yếu là các mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng, vải, sợi, bông, sắt thép, điện tử và linh kiện, phân bón và hóa chất...
Đáng chú ý, trong quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam vẫn là nước nhập siêu cao. Tuy nhiên, vấn đề này đang từng bước cải thiện tích cực, vì cả Việt Nam và Trung Quốc đều áp dụng các biện pháp để giải quyết tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại.

Thực tế cho thấy, quy mô nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 2 năm 2016 - 2017 bình quân đã giảm trên 16,1%/năm. Nếu như năm 2015, nhập siêu từ Trung Quốc là 32,4 tỷ USD thì đến hết năm 2017, mức nhập siêu từ Trung Quốc giảm còn 22,8 tỷ USD, giảm 29,7%. Năm 2017, tăng trưởng XK của Việt Nam sang Trung Quốc rất cao, lên tới 61,5%, trong khi tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ ở mức hơn 16%. Quý I/2018, nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin cho hiệp hội, ngành hàng, DN và các chủ thể hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc, nội dung cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), WTO, các hiệp định, thỏa thuận thương mại song phương giữa hai nước, thông tin về thị trường, hàng hóa, thương nhân... để DN Việt Nam chủ động trong hoạt động XK.

Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã tiêu thụ tốt ở thị trường Trung Quốc, song khách hàng lại không biết là sản phẩm Việt Nam. Do đó, bên cạnh việc tổ chức các hoạt động giao thương, gặp gỡ DN hai bên, tham gia hội chợ, cần xây dựng các chương trình quảng bá thương hiệu, hình ảnh cho mỗi sản phẩm nông sản Việt Nam để phát trên các kênh thông tin đại chúng của Trung Quốc, trên internet, hoặc tại các sự kiện của Việt Nam được tổ chức ở thị trường này. Bên cạnh đó, cần tận dụng hiệu quả những chính sách ưu đãi phía Trung Quốc dành cho các địa phương biên giới của Việt Nam để thúc đẩy, khuyến khích XK; nghiên cứu phương án xây dựng các trung tâm logistics tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam.