Dạy nghề cho lao động nông thôn: Liên kết để giải quyết đầu ra

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) năm 2018, nhiều nông hộ ở huyện Thường Tín đang mở rộng mô hình bước đầu mang lại hiệu quả.

Tuyên truyền học nghề đến hộ nông dân
Để đạt mục tiêu lao động sau học nghề tối thiểu đạt tỷ lệ 80% có việc làm hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn, từ đầu năm 2018, Ban Chỉ đạo 1956/QĐ-TTg Thường Tín đã triển khai Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 28/3/2018 của huyện.
Đoàn cán bộ Ban Chỉ đạo 1956/QĐ-TTg TP Hà Nội kiểm tra hiệu quả công tác dạy nghề năm 2018 

tại xã Chương Dương, huyện Thường Tín. Ảnh: Trần Oanh

Ông Uông Đình Hưng - Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Thường Tín thông tin: Đến thời điểm hiện tại, UBND huyện đã đặt hàng 2 đơn vị đào tạo nghề cho LĐNT cho 17 lớp, với 595 học viên, tổng kinh phí 1.417.500.000 đồng. Trong đó, nguồn kinh phí ngân sách 1.190.000.000 đồng; xã hội hóa 227.500.000 đồng. Từ cuối tháng 5/2018, huyện Thường Tín đã tổ chức học xong 12 lớp nghề nông nghiệp với 420 học viên. Nghề phi nông nghiệp 5 lớp 175 học viên đang được tổ chức, dự kiến trong tháng 12 này sẽ kết thúc.

“Đa số các học viên học xong nghề nông nghiệp ứng dụng vào phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt của gia đình đạt được những hiệu quả tích cực. Từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ đã phát triển thành chăn nuôi theo hướng nông trại, trang trại với quy mô chăn nuôi lớn, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… Sau học nghề, 74 hội viên nông dân có nhu cầu được vay vốn đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thường tín tạo điều kiện số tiền hơn 2 tỷ đồng” – ông Hưng cho hay.

Hình thành chuỗi liên kết

Để kiểm tra hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT, đoàn cán bộ Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg TP Hà Nội đã đi gặp ngẫu nhiên một số nông dân từng học lớp Chăn nuôi thú y; Trồng rau hữu cơ, trồng rau an toàn… Đa số những nông dân được hỏi đều đánh giá quá trình đào tạo nghề cho LĐNT mang lại hiệu quả thiết thực. Trước đây, người nông dân xã Chương Dương, huyện Thường Tín chủ yếu chăn nuôi gia súc, gia cầm tự phát theo kinh nghiệm dân gian thì nay đã biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trong căn nhà mái ngói cấp 4 khang trang, ông Nguyễn Huy Trung (xóm 2, xã Chương Dương) phấn khởi khoe: “Những kiến thức tôi học ở lớp Chăn nuôi thú y đã được áp dụng vào chăn nuôi gà, lợn cho năng suất và chất lượng cao. Hiện tôi đã biết cách vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bắt được bệnh cho gà để cho uống thuốc kịp thời”. Ông hy vọng, Tết này gia đình sẽ bán gà được khoản tiền kha khá để đầu tư mô hình chăn nuôi lớn. Bà Lê Thị Mến, xóm 2 cũng khẳng định, nhờ học lớp đào tạo nghề, thu nhập từ chăn nuôi đã tăng lên. Trước đây, mỗi năm bà Mến nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa 100 con nhưng chỉ được 30 con sống và bán được 3 - 4 triệu đồng. Sau khi được học nghề, tỷ lệ gà sống rất cao, bán được trên 10 triệu đồng/lứa.

Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã giúp cho người dân huyện Thường Tín cải thiện đời sống. Sản phẩm nuôi trồng của bà con có chất lượng nhưng chủ yếu bán ở chợ, bị thương lái ép giá nên nguồn thu thấp và không ổn định. Để giải bài toán này, từ khảo sát thực tế, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn đề nghị lãnh đạo huyện Thường Tín chỉ đạo quyết liệt cơ quan tổ chức đào tạo nghề LĐNT - cơ sở dạy nghề kết hợp - người học hình thành chuỗi mô hình cung ứng đầu ra với giá cả ổn định. Đây cũng là mục đích lớn của chương trình đào tạo nghề cho LĐNT hướng tới. Theo bà Nhàn, huyện Thường Tín có 47 làng và 7 cụm công nghiệp là điều kiện rất tốt để nông dân gắn với làng nghề, DN. Phát huy lợi thế địa phương, huyện Thường Tín nên lựa chọn những lao động có nhu cầu đào tạo để qua đó tiếp tục phát triển làng nghề đồng thời mang đến việc làm có thu nhập khá cho các hộ nông dân.