Dạy nghề cho nông dân tại Hoài Đức: Nâng chất lượng để ly nông bất ly hương

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi kết thúc các khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gần 90% người lao động (NLĐ) ở huyện Hoài Đức có việc làm đúng ngành nghề với thu nhập ổn định.

Thu nhập khá nhờ học nghề
Kể từ khi được tham gia lớp học Kỹ thuật chế biến món ăn do huyện Hoài Đức tổ chức năm 2016 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thực khách đến hàng ăn của chị Ninh Thị Hiền (thôn Phú Đa, xã Đức Thượng) đông hơn trước. Thậm chí, nhiều người ở thôn bên biết chị nấu ăn ngon, cũng tìm đến thưởng thức. Nhờ lượng khách tăng, thu nhập mỗi tháng của chị Hiền từ bán hàng được 6 – 7 triệu đồng, thay vì 5 triệu đồng trước đây.

Người nông dân học nghề nấu ăn xong có cơ hội việc làm. Ảnh: Trần Oanh

Chị Hiền là một trong nhiều học viên có cuộc sống cải thiện rõ rệt sau khi được học nghề. Cũng nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2016, 89,1% nông dân Hoài Đức có công việc ổn định. Trong đó, 85% học viên có thu nhập tối thiểu khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Điều đáng nói, đối với những học viên được giới thiệu vào làm việc tại DN, trường học, bên cạnh nguồn thu nhập ổn định, họ còn được đóng bảo hiểm xã hội để sau này có lương hưu. Hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Thượng cho hay: “Nhà trường đang nhận 3 nông dân có tay nghề và kỹ thuật nấu ăn vào làm việc ở khu bếp. Khi họ có sự tiến bộ trong công việc, chúng tôi sẽ tạo điều kiện phát triển". Chị Phan Thị Chung (thôn Phú Đa, xã Phú Thượng) 3 năm làm việc ở trường, nhờ nhanh nhẹn, hoạt bát, từ phụ bếp, đã được cân nhắc làm bếp trưởng. Chia sẻ niềm vui trở thành người quản lý bếp ăn của trường, chị Chung phấn khởi: Là đối tượng bị mất đất, mỗi buổi học nấu ăn tôi được cấp 30.000 đồng và 2 triệu đồng hỗ trợ sau khóa học. Gia đình tôi còn được vay 10 triệu đồng tiền vốn để phát triển sản xuất. Thông tin về hiệu quả xã hội từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Nguyễn Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: “Nhu cầu học nghề của bà con rất lớn, nhất là những nghề có thể làm việc được ngay. Công tác đào tạo nghề đã làm tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động. Đồng thời giảm số người thất nghiệp, tránh được tình trạng di cư, tìm kiếm việc làm tại các TP lớn. Cũng như giảm các tệ nạn xã hội và góp phần ổn định an ninh tại địa phương”.

Khảo sát nhu cầu, chọn nghề phù hợp

Theo ông Nguyễn Anh, Hoài Đức đạt được nhiều kết quả khả quan là do huyện ủy, HĐND – UBND rất quan tâm đến hoạt động đào tạo nghề. Nhất là từ năm 2009 đến nay, khi Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 có hiệu lực, Hoài Đức đã chỉ đạo thống nhất từ cấp huyện đến cơ sở, đồng thời có sự phối hợp trách nhiệm của các phòng, ban, ngành, đoàn thể. Theo đó, định kỳ hàng năm, huyện xây dựng và triển khai kế hoạch ghi chép, tổng hợp di biến động cung – cầu lao động để dự báo thị trường lao động những năm tiếp theo. Các phòng, ban, ngành, xã, thị trấn cũng kịp thời phản ánh nhu cầu của người lao động và những nghề muốn được đào tạo. Từ những dữ liệu này, huyện xây dựng kế hoạch, lựa chọn cơ sở dạy nghề đáp ứng nhu cầu của bà con và yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Với sự vào cuộc của tất cả các phòng, ban ngành, đoàn thể liên quan, số lao động nông thôn được đào tạo chiếm trên 70% nhu cầu của NLĐ.

Đánh giá cao công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Hoài Đức, ông Trần Sỹ Tiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến nghị, Hoài Đức nên tập trung đào tạo nghề trồng cây ăn quả và tập huấn chuyên môn cho người dân các làng có nghề để duy trì và phát triển ổn định.

Dựa trên dự báo nhu cầu và thực tế khả năng đào tạo, năm 2017 huyện Hoài Đức sẽ dạy nghề cho 395 lao động nông thôn. Đến nay, huyện tổ chức được 6 trong tổng số 11 lớp. Dự kiến, từ nay đến hết năm 2017, huyện tiếp tục tổ chức 2 lớp trồng rau hữu cơ, trồng rau an toàn, 2 lớp may công nghiệp và 2 lớp truyền nghề mộc thủ công mỹ nghệ. Để thực hiện mục tiêu này, huyện đề ra 4 nhiệm vụ và giải pháp. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về học nghề, Hoài Đức huy động các nghệ nhân, người có tay nghề cao tại các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề. Huyện sẽ phối hợp với các DN đóng trên địa bàn để tổ chức dạy nghề cho NLĐ và nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp.