Đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu ngân hàng thương mại xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo điều kiện cho DN thu mua lúa, gạo cho người dân.

Ảnh minh họa
NHNN vừa có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, TP khu vực ĐBSCL và các ngân hàng thương mại thực hiện một số nội dung, về việc cho vay thu mua lúa, gạo vụ Đông Xuân năm 2019 trong lúc các tỉnh, TP khu vực này đang bước vào thu hoạch rộ.
Theo đó, NHNN yêu cầu ngân hàng thương mại khẩn trương chỉ đạo chi nhánh cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của DN thu mua lúa, gạo. Các ngân hàng cần làm việc trực tiếp với các DN thu mua lúa, gạo có nhu cầu vay vốn để xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo điều kiện cho DN thu mua lúa, gạo cho người dân.
Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, TP khu vực này, cần chỉ đạo tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN thu mua lúa, gạo. Đồng thời, tăng cường kết nối ngân hàng và DN để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và có giải pháp tháo gỡ, tăng khả năng tiếp cận vốn của DN…
Cùng với đó, bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay thu mua thóc, gạo của ngân hàng thương mại để kịp thời báo cáo UBND tỉnh, TP, NHNN nhằm tạo điều kiện đáp ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh lúa, gạo của người dân, DN.
Được biết, DN vay vốn thu mua lúa, gạo là một trong những ưu tiên trong nông nghiệp, nông thôn, cùng với nhu cầu vốn trong các lĩnh vực khác như xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ… Mức lãi suất cho vay ngắn hạn áp dụng bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN hiện tối đa không quá 6,5%/năm.
Hiện, giá lúa ở ĐBSCL đang giảm mạnh do DN thiếu tiền mua lúa dự trữ. Trong khi đó, nông dân buộc phải bán lúa vì không có chỗ trữ dù biết bị thương lái ép giá, vả lại họ cần có tiền để trả nợ vật tư vào cuối vụ. Trước tình hình này, một số DN đã kiến nghị ngành ngân hàng cho DN vay vốn mua lúa trong dân để tạm trữ, chờ xuất khẩu.