Dạy và học online: Vẫn khó cho cả thầy lẫn trò

Nguyễn Bùi Tam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không ít giáo viên cho rằng, hệ thống công nghệ thông tin chưa bảo đảm, nhiều gia đình học sinh không đủ hạ tầng để triển khai mô hình dạy học trực tuyến.

Học sinh học trực tuyến trên truyền hình. Ảnh: Đăng Anh
Vùng “3 không” gặp khó
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, TP trên cả nước đã áp dụng dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình. Tuy nhiên, nhiều giáo viên khẳng định, việc triển khai dạy học trực tuyến với những nơi “3 không”: Không inernet, không tivi, không điện thoại thông minh là không khả thi. Cụ thể, thầy Trần Mạnh Hà – giáo viên ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Nhiều bản không có sóng điện thoại. Các gia đình cũng vậy, không phải nhà nào cũng có tivi. Học sinh thì mỗi em ở một bản, có nhà lên đồi, có nhà băng suối mới tới được nơi”. Theo anh Hà, việc học trực tuyến hay trên tivi chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, còn nếu đi giao bài cho từng học sinh thì không khả thi, có khi cả ngày mới đi được một vài gia đình.
Khó khăn tương tự, cô Lê Thị Lý (giáo viên tiểu học ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) cho biết, không đến 1% học sinh của trường có thể tham gia học trực tuyến. Bởi 100% học sinh ở các bản xa xôi, cha mẹ đều đi làm xa nhà, con ở nhà với ông bà, các thiết bị công nghệ, thậm chí tivi cũng không có. Với trường hợp của cô Phạm Quỳnh Tâm (giáo viên tiểu học ở tỉnh Lâm Đồng) lại rơi vào những khó khăn khác. Theo cô Tâm, khi triển khai mô hình dạy trực tuyến, giáo viên phải mày mò công nghệ, soạn giáo án tỉ mỉ, sau đó hướng dẫn thêm phụ huynh, học sinh. “Dạy học online, các em hay làm việc riêng nhiều. Có bạn đang học thì mẹ mang bát mì vào bảo ăn thêm làm cả lớp cười ồ lên” - cô Tâm nói thêm.
Liên quan đến múi giờ, các buổi tối được coi là “giờ vàng” để phát sóng (dạy trên truyền hình) và hướng dẫn dạy trực tuyến của nhiều địa phương. Bởi, khi ấy, đa phần bậc phụ huynh đã có mặt tại nhà để có thể học cùng, hướng dẫn con học. Tuy nhiên, cô Nguyễn Hải Yến - giáo viên trường Tiểu học Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, vào buổi tối do lượng người truy cập nhiều, mạng thường rất chậm. Trong khi đó, các em học sinh tuổi còn quá nhỏ, tối đến hay uể oải, quan sát, tập trung kém nên rất khó để tổ chức buổi giảng hiệu quả.
Giáo viên không thể đi giao bài
Khi việc triển khai học trực tuyến gặp khó, nhiều phòng GD&ĐT đã có chỉ đạo nhà trường tổ chức cho giáo viên in bài giảng để giao tận tay cho từng học sinh. Đơn cử, với huyện Ba Vì, TP Hà Nội, ông Phùng Ngọc Oanh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết, với các gia đình đủ điều kiện hạ tầng, nhà trường sẽ cho triển khai lớp học trực tuyến như thông thường. Còn với các gia đình khó khăn, giáo viên sẽ sao chụp bài tập rồi thông qua hệ thống bưu điện, văn hóa xã để gửi tới từng gia đình. Sau đó, cuối tuần giáo viên sẽ trở lại nhà nhận kết quả học tập để đánh giá. Tuy nhiên, cách làm này của huyện Ba Vì đang gặp khó bởi quy định về cách ly toàn xã hội.
Cô Thu Thị Thanh (giáo viên tiểu học ở tỉnh Thừa Thiên Huế) lo lắng: “Hiện các cửa hàng phô tô đều đã đóng cửa theo quy định. Trong khi, không phải nhà giáo viên nào cũng có sẵn máy in để in tài liệu học tập. Chia sẻ những lo lắng như cô Thanh, cô Trần Thị Ly (giáo viên tiểu học ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cung cấp, do chưa thể áp dụng lớp học trực tuyến, nhiều lúc phải đi giao bài tận tay cho học sinh nhưng đang đi đường thì gặp trời mưa, nhiều tài liệu ướt, nhòe hết. Trong khi ấy, nếu dùng mạng xã hội, chẳng hạn giao bài trên Zalo, sĩ số 47 học sinh nhưng chỉ có 24 em nhận bài do phần lớn đã về quê với ông bà để tránh dịch.
Chia sẻ cùng những khó khăn của các giáo viên, nhiều ý kiến nêu quan điểm, giờ là lúc tất cả cùng chung tay tháo gỡ. Với việc dạy và học, cần tới sự linh hoạt của nhà trường và sự tương tác từ phụ huynh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần