ĐB Quốc hội Bùi Huyền Mai: Tuổi thọ các dự án Luật ngày càng ngắn

Tin, ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ sáng 22/5, liên quan đến trách nhiệm của Quốc hội trong việc xây dựng pháp luật, ĐB Bùi Huyền Mai - Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, các ĐB Quốc hội cần quan tâm đến tính thực thi và phù hợp với thực tiễn, khi bấm nút thông qua các dự án Luật. Bởi, tuổi thọ của các dự án Luật ngày càng ngắn và nhiều bất cập khi một Luật phải sửa nhiều Luật.

Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Phát biểu tại tổ 1 - Đoàn ĐB Quốc hội đoàn TP Hà Nội, ĐB Bùi Huyền Mai  quan tâm đến giải pháp nâng cao năng lực điều hành chính sách của Chính phủ và vai trò xem xét, thông qua các dự án Luật của Quốc hội.
 ĐB Bùi Huyền Mai - Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội . Ảnh: Hồ Hạ.
ĐB Bùi Huyền Mai đánh giá: Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc xem xét, xây dựng pháp lệnh của Quốc hội, mỗi kỳ họp cũng thảo luận thông qua ngày càng nhiều các dự án Luật để góp phần hoàn thiện và đồng bộ hệ thống pháp luật. Nhưng, thời gian qua, quy trình xây dựng pháp luật của Quốc hội cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần phải được xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng. Đặc biệt, cần quan tâm đến tính thực thi và phù hợp với thực tiễn.
Theo ĐB Bùi Huyền Mai tuổi thọ các Luật ngày càng ngắn, một Luật mới phải sửa nhiều Luật khác thì rất khó triển khai thực hiện. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; đặc biệt là các dự án Luật lồng ghép ưu đãi riêng cho ngành, lĩnh vực hoặc lồng ghép vấn đề về tổ chức cán bộ.
ĐB Bùi Huyền Mai lấy ví dụ Luật Quy hoạch. Luật đưa ra Quốc hội xem xét rất nhiều vòng, rất nhiều vị ĐB Quốc hội thể hiện ý kiến trái chiều, cuối cùng đã thông qua. Ngày 1/1/2019, quyết định có hiệu lực nhưng ngày 7/5/2019, Chính phủ mới ban hành được nghị định số 37 năm 2019 và Nghị định này có hiệu lực ngay từ ngày ký.
“Tuy nhiên, điều đáng nói là Nghị định 37 cũng không nêu rõ 3 quy hoạch nền tảng gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch không gian biển và Quy hoạch không gian đất quốc gia bao giờ sẽ trình Quốc hội và khi nào Quốc hội sẽ thông qua. Trong khi, đây là 3 quy hoạch nền tảng để các địa phương, vùng xây dựng các quy hoạch phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong nhiệm kỳ tới ”, ĐB Bùi Huyền Mai nói.
Ví dụ thứ hai được Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội dẫn chứng liên quan đến Luật Đầu tư công. “Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công mà Luật này mới có hiệu lực được khoảng 3 năm. Như vậy, tuổi thọ của Luật rất ngắn”.
“Do đó, về những nội dung liên quan đến các dự án Luật sắp tới Quốc hội xem xét, thông qua, chúng tôi rất mong muốn các đại biểu Quốc hội thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng khi xem xét bấm thông qua các dự án Luật để làm sao có nhiều Luật khi thông qua đảm bảo chất lượng và tính khả thi”, ĐB Bùi Huyền Mai nhấn mạnh.