ĐB Quốc hội: Tăng trưởng GDP ấn tượng, người Việt có thực sự hạnh phúc?

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ sáng 22/5, ĐB Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ) nêu vấn đề đáng suy ngẫm: “Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt mức cao nhất trong thập niên. Đó là điều rất mừng. Nhưng, liệu rằng người Việt có thực sự hạnh phúc?”

ĐB Đinh Thị Bình chia sẻ, hệ thống nhà vệ sinh và công trình nước sạch của các trường mầm non hiện nay còn thiếu rất nhiều. Nếu các ĐB đi về địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi thì sẽ thấy rõ. 
Đối với hệ thống các trường tiểu học, mặc dù số nhà vệ sinh không nhiều nhưng các cháu được ra chơi khoảng 30 phút. Khung thời gian này đủ để các cháu thay phiên nhau đi vệ sinh.
 BB Đinh Thị Bình phát biểu. Ảnh: Hồ Hạ.
“Nhưng ở các trường Trung học cơ sở thì rất là khó khăn. Thực tế mỗi trường học chỉ có 1 – 2 nhà vệ sinh, trong khi số lượng học sinh khoảng 500 - 600 em. Thời gian gia chơi của các em chỉ có 5 phút, nên không đủ thời gian để đi vệ sinh, gây nên tình trạng quá tải”, bà Bình cho biết.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Gia Lai, qua rà soát hiện nay toàn tỉnh có số phòng vệ sinh hư hỏng phải sửa chữa là 1.554 phòng và số phòng vệ sinh còn thiếu là gần 1.900.
Ông Dương Văn Tuấn, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Gia Lai, cho biết: “Qua giám sát, hầu hết các công trình vệ sinh tại các trường học được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước nên nhiều phòng vệ sinh xuống cấp, nền hư hỏng, bong tróc, thấm nước, bồn cầu tắc lại chưa được sửa chữa kịp thời. Nhiều trường còn thiếu phòng vệ sinh chưa đáp ứng quy mô HS hiện có; một số nhà vệ sinh chưa đảm bảo các điều kiện vật chất để phục vụ nhu cầu tối thiểu HS”.
“Bây giờ chúng ta vẫn nói chế độ đầu vào (ăn uống) của các em tốt tồi, nhưng đầu ra của các em thì rất nhiều bất cập. Nhà vệ sinh tắc, bẩn, có em học sinh miền núi trường ở gần suối đi ra bờ suối, sống như vậy thì cực kỳ nguy hiểm”, ĐB Đinh Thị Bình nói.
Bên cạnh đó, bà Bình cũng nêu lên nhiều bất cập của ngành giáo dục, nhất là việc rèn luyện đạo đức lối sống, kỹ năng sống và ứng xử văn hoá trong môi trường học đường.
“Trước hàng loạt vụ việc bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua, nhất là chuyện giáo viên đánh học trò, theo tôi, không chỉ học sinh mà ngay cả nhà giáo và phụ huynh cũng cần phải được tăng cường giáo dục đạo đức và kỹ năng sống”, bà Bình chia sẻ.
Khi mâu thuẫn xảy ra giữa các em học sinh, nếu có kỹ năng kiềm chế cảm xúc thì tôi nghĩ các vụ bạo lực học đường sẽ không xuất hiện. Với thầy cô giáo cũng vậy. Bản thân tôi đi dạy học, khi không hài lòng về hành vi thiếu chuẩn mực của một học sinh nào đó, tôi có thể dừng bài giảng, nghỉ trong vài phút và ra khỏi lớp học trong vài phút để trấn tĩnh tinh thần. Tránh ngồi lại lớp trong tâm lý bất ổn.