Đề án “100 tuyến phố du lịch xanh - sạch - đẹp và phong cách”: Tiếp sức cho du lịch Thủ đô

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề án “100 tuyến phố du lịch xanh - sạch - đẹp và phong cách” do Công ty CP Truyền thông Minh đề xuất đã được UBND TP Hà Nội đồng ý về mặt chủ trương.

Nếu triển khai thành công, đề án không chỉ góp phần phát triển du lịch bền vững mà còn giúp Hà Nội sớm trở thành một đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.

Phát triển bền vững

Có thể thấy, không chỉ chính quyền TP mà tất cả các cấp, ngành đều chăm chú cho mục tiêu sớm đưa du lịch thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế - xã hội của Thủ đô. Minh chứng là từ năm 2016 đến nay, TP đã triển khai chuỗi các giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thu hút khách du lịch như: Chương trình trồng 1 triệu cây xanh; cơ giới hóa việc thu gom và vận chuyển rác thải; nâng cao chất lượng nguồn nước; kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm trật tự giao thông đô thị, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; quy hoạch hệ thống biển hiệu quảng cáo; xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng… Tất cả đều đã bước đầu cho thấy hiệu ứng tốt.

Đường Thanh Niên sẽ được thí điểm là tuyến phố du lịch xanh của Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đề án 100 tuyến phố du lịch xanh - sạch - đẹp và phong cách do Công ty CP Truyền thông Minh đề xuất thực hiện theo phương thức xã hội hóa đã được UBND TP đồng ý về mặt chủ trương cũng nằm trong chuỗi các giải pháp đó. Đề án hướng tới tạo dựng hình ảnh các tuyến phố luôn xanh, sạch, đẹp và phong cách. Đó cũng chính là cách cho ra đời sản phẩm mới và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Đồng thời, quản lý tốt và giúp các hộ cá thể kinh doanh, nhà hàng, khách sạn trên cùng một tuyến phố đồng nhất và đẹp hơn. Đề án cũng góp phần nâng cao chất lượng giao thông đô thị và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, việc trang trí lại các tuyến phố sẽ thực hiện theo phong cách kiến trúc được TP duyệt và không ảnh hưởng hoặc thay đổi nét văn hóa, hoặc kiến trúc vốn có của mỗi tuyến phố cũng như không thể hiện quá rõ những hình ảnh mang tính thương mại của nhà tài trợ. Dù sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, nhưng chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thông qua Ban quản lý dự án do chủ đầu tư thành lập dưới sự giám sát của UBND TP. Được biết, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn đơn vị đề xuất bổ sung, hoàn thiện nội dung đề án.

Giải quyết bài toán quản lý vỉa hè

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho hay: “Đề án dự kiến xây dựng mỗi con đường được phủ 3 tầng cây xanh với 4 mùa hoa, bảo đảm cảnh quan và bóng mát. Đồng thời, trang hoàng bằng ánh sáng trang trí, đèn đường theo phương thức mỗi tuyến phố một câu chuyện. Bên cạnh đó là nghệ thuật hóa vỉa hè hai bên phố bằng các sản phẩm phù hợp như: Gốm, sứ, tượng, tranh, phù hợp với đặc trưng riêng của từng góc phố, con đường… nhằm hướng tới phục vụ cộng đồng dân cư và khách du lịch một cách tốt nhất”.

Để bảo đảm tính khả thi, hướng tới phục vụ cộng đồng một cách tốt nhất, ông Hồng cho rằng, đề án cần giải quyết được bài toán quản lý vỉa hè. Tức là đảm bảo hài hòa phần diện tích để xe cho người dân, cho người đi bộ và cho kinh doanh (nếu có). Cùng với đó là ý tưởng về quản lý, quy hoạch lại các biển quảng cáo hiện có của các hộ kinh doanh... “Những tính toán này cần phù hợp với hiện trạng của từng tuyến phố để vỉa hè thực sự thành không gian đáng sống của cộng đồng dân cư. Muốn thế, các yếu tố bảo đảm an toàn cho người đi bộ, tạo lập không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân và gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô phải được đặt lên hàng đầu. Và đặc biệt là phải phù hợp với mục tiêu xây dựng tuyến phố xanh, sạch, đẹp và phong cách mà đề án đề ra - ông nhấn mạnh.

Dù chưa chính thức khởi động, nhưng những người làm du lịch Hà Nội hy vọng đề án này sớm được triển khai và trong tương lai, Thủ đô hơn ngàn năm tuổi sẽ tràn ngập màu xanh cùng nhiều điểm nhấn thể hiện chiều sâu văn hóa và những phong vị đậm chất Hà thành.

Dự kiến, Đề án “100 tuyến phố xanh - sạch - đẹp và phong cách” sẽ được thực hiện trong hai năm 2017 và 2018. Đường Thanh Niên và phố Trúc Bạch sẽ là 2 tuyến phố thí điểm, sau đó mở rộng triển khai trên các tuyến phố khác. Vì việc trồng cây có ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật nên đề án đang đề xuất việc trồng và chăm sóc cây do Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đảm nhiệm.

Ý tưởng hay nhưng cần thận trọng

Đây là ý kiến của Phó Giám đốc Công ty TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt khi đề cập tới Đề án “100 tuyến phố xanh - sạch - đẹp và phong cách”. Mặc dù ủng hộ Đề án, song ông Đạt cho rằng, cần có một Hội đồng thẩm định với sự tham gia của các chuyên gia kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật, ánh sáng… để mỗi tuyến phố là một “sản phẩm” có tính thẩm mĩ cao.

UBND TP đã đồng ý chủ trương về thực hiện Đề án 100 tuyến phố xanh, sạch, đẹp và phong cách. Ông nghĩ sao về đề án này?

- Đây là một ý tưởng đáng được hoan nghênh và ủng hộ. Nếu thực hiện tốt, đề án sẽ góp phần giúp môi trường du lịch nói riêng, môi trường sống nói chung của Thủ đô hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phải hết sức thận trọng, nếu không sẽ gây phản cảm, thậm chí có thể bị phản đối.

Nói như vậy có nghĩa là ông đã nhìn thấy những vấn đề cần giải quyết trong đề án này?

- Trong đề án có đề cập tới việc nghệ thuật hóa vỉa hè 2 bên phố bằng các sản phẩm phù hợp như: Gốm, sứ, tượng, tranh, phù hợp với đặc trưng riêng của từng góc phố, con đường… Tôi chưa được nhìn demo, phối cảnh cụ thể, nhưng thực tế, các tuyến phố ở Hà Nội khá nhỏ, chỗ để xe và cho người đi bộ vốn đã hẹp, các nhà san sát nhau, nay đặt thêm vào các sản phẩm gốm, sứ vào thì không hình dung ra được sẽ thế nào. Trước đây, đã từng có dự án trang trí bồn hoa ở vỉa hè, góc phố nhưng sau đó vì bất tiện nên đã dẹp bỏ. Mặt khác, việc trang trí đèn, ánh sáng nếu không tính toán kỹ sẽ lại bị lòe loẹt, không phù hợp với diện mạo của Thủ đô. Một vấn đề nữa là việc đầu tư vào hệ thống ánh sáng, duy tu rất tốn kém và phải bảo trì thường xuyên, nếu không cũng dễ gây phản cảm.

Đặc biệt, đề án cần có sự tham gia của các chuyên gia về kiến trúc, xây dựng, ánh sáng, mỹ thuật… để khi hình thành, tuyến phố sẽ trở thành một sản phẩm mỹ thuật hoàn chỉnh, có tính nghệ thuật chứ không phải sản phẩm lỗi. Cùng với đó, nên làm theo hướng thuận theo tự nhiên, đừng can thiệp thô bạo bằng cách chặt cây. Đồng thời, hình ảnh, logo của DN phải thiết kế phù hợp, tránh gây phản cảm. Tôi cho rằng, đề án phải có Hội đồng mỹ thuật vì liên quan đến bộ mặt Thủ đô.

Nhìn vào bộ mặt các tuyến phố ở Hà Nội hiện nay, theo ông, cần cải thiện vấn đề nào trước tiên?

- Có thể nói, đường dây điện lộn xộn, chằng chịt, luộm thuộm là một trong những yếu tố gây nên sự nhếch nhác cho hầu hết các tuyến đường Hà Nội. Du khách nước ngoài đến Việt Nam đều bày tỏ sự kinh hãi khi nhìn thấy hệ thống dây điện, dây viễn thông đan xen chằng chịt. Nhiều người đã chụp ảnh, đưa lên trang cá nhân về sự kỳ quặc này. Tôi được biết, đã có dự án ngầm hóa hệ thống dây điện, dây viễn thông, tuy nhiên, không biết vì sao vẫn chưa được làm đến nơi, đến chốn. Mặt khác, kiến trúc nhà ở Hà Nội trên cùng một tuyến phố đang không theo một phong cách nào với đủ kiểu từ nhà cổ, nhà ống, nhà tầng, nhà kính… cũng là nguyên nhân khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác. Trong khi đó, ở nhiều Thủ đô của các nước, họ có “nhạc trưởng” là Hiệp hội kiến trúc đô thị, có quy định chi tiết mỗi tuyến phố phải theo phong cách như thế nào. Thậm chí, họ cho phép xây dựng lại ngôi nhà nhưng phải giữ nguyên mặt tiền để bảo đảm về mặt kiến trúc. Hà Nội cũng nên xem xét và suy nghĩ tới vấn đề này.

Để bộ mặt đô thị xanh, sạch, đẹp, TP Hà Nội có thể kêu gọi các nhà hàng, khách sạn mở cửa nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch, có gắn biển hiệu để du khách nhận biết. Đà Nẵng và Huế đã làm được điều này, và Hà Nội cũng có thể học tập cách này khi mà nhiều khu phố tại Thủ đô không có không gian để xây mới nhà vệ sinh công cộng và việc này cũng đỡ ngân sách xây dựng và vận hành.

Dự kiến, đề án này sẽ được thực hiện trong hai năm 2017 và 2018. Đường Thanh Niên và phố Trúc Bạch sẽ được thí điểm trước. Theo ông, cần phải làm gì cho 2 con đường này?

- Thực ra, 2 đường này bản thân đã là những tuyến phố xanh, sạch, đẹp của Thủ đô. Đối với đường Thanh Niên, có thể trồng thêm thảm hoa dưới mặt đất như hoa mười giờ và không cần trồng thêm quá nhiều cây vì đường này hai bên là hồ, mật độ cây cũng khá tốt. Có thể thêm phần ánh sáng và trang trí bằng những tiểu cảnh vì vỉa hè ở đây khá rộng và thoáng. Ở phố Trúc Bạch có thể trồng thêm cây xanh nhưng phải tính toán trồng những cây thân không quá to vì vỉa hè ở phố này khá chật.

Theo tôi, đề án này nên thí điểm ở những khu đô thị mới, tuyến đường mới thì sẽ phù hợp hơn vì người họa sĩ dù có tài ba đến đâu, khi vẽ lên tờ giấy trắng bao giờ cũng dễ hơn là vẽ đè lên những hình thù vốn đã lộn xộn. Đặc biệt, khu phố cổ ít có cơ hội cải thiện vì vỉa hè quá chật và rối ren, “vẽ” thêm lên sợ là “bức tranh” càng rối.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh  thực hiện