Đề án cải cách chính sách tiền lương: Động lực nâng cao năng suất lao động

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (7/5), Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ 7 Khóa XII sẽ được khai mạc và bàn nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức (CC), viên chức (VC), lực lượng vũ trang và người lao động (NLĐ) trong DN.

 Công nhân rút tiền lương tại Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng
Giảm biên chế, tăng thu nhập
Chế độ tiền lương hiện hành được thực hiện từ năm 2003 đến nay đã 15 năm, trong khi thực tiễn đã thay đổi, dẫn đến nhiều bất cập và không tạo được động lực cho sự phát triển của đất nước. Vì thế, Đề án cải cách lần này thể hiện rõ 5 quan điểm, trong đó tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho NLĐ và gia đình họ. Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của NLĐ.
Trong khu vực công, quy định trả lương cho cán bộ, CCVC và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động. Khu vực DN, thực hiện điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng đến năm 2020 đảm bảo mức sống tối thiểu. Giảm dần và tiến tới bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào chính sách tiền lương DN. Nhiều người cho rằng, đề án cải cách tiền lương mới sẽ đánh giá đúng năng lực của NLĐ và không còn tình trạng CCVC có thu nhập thấp hơn những người làm công việc giản đơn.

Tuy nhiên, để Đề án phát huy tác dụng, PGS.TS Dương Văn Sao – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Công đoàn đề nghị, trước tiên phải tổng kết chính sách tiền lương hiện hành, kế thừa ưu điểm và tìm giải pháp khắc phục những hạn chế. Bên cạnh đó, cần chắt lọc kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới để áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Nhiều năm nghiên cứu về các chính sách an sinh xã hội và lương, TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, Bộ LĐTB&XH đồng tình với hướng đi của Đề án cải cách về trả lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ. Nhưng, để đạt được mục tiêu xây dựng chế độ tiền lương mới được thực hiện từ năm 2021 gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế…, trước tiên phải thực hiện tốt Nghị quyết 18 và 19 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; của đơn vị sự nghiệp công lập.
 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi:

Trả lương theo vị trí công việc để đảm bảo công bằng

Đề án cải cách chính sách tiền lương đưa ra cách tính hệ số lương theo giá trị tuyệt đối để NLĐ dễ hiểu hơn, biết được lương của mình bao nhiêu. Ở khu vực hành chính sự nghiệp sẽ có hai thang bảng lương, một thang bảng lương được tính theo chức vụ, vị trí việc làm. Trường hợp tái cử thêm một nhiệm kỳ thì được tăng thêm 10% phụ cấp. Những người làm chuyên môn nghiệp vụ được thực hiện theo một bảng lương và cứ 3 năm nâng lương một bậc đối với bậc đại học trở lên và 4 - 5 năm áp dụng cho chuyên gia. Cách tính lương theo vị trí việc làm để đảm bảo sự công bằng giữa mọi người cùng làm một công việc.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đề nghị đi trước một bước trong việc thực hiện tinh giản biên chế theo đúng chức năng, nhiệm vụ. “Hiện nay đội ngũ CCVC quá cồng kềnh, ngân sách Nhà nước không đủ sức để trả lương. Tiền lương hiện nay không đủ sống, dẫn đến tình trạng CCVC ăn bớt giờ Nhà nước để đi làm thêm. Vì thế, cách tính lương mới phải gắn với lao động, để CCVC được sống đàng hoàng” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Cân nhắc cơ cấu tiền lương, thưởng

Theo Đề án cải cách, thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới, bao gồm: Mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương; các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ lương. Đồng thời có hệ thống bảng lương mới (quy định bằng số tiền tuyệt đối thay cho hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường.
Về ba khoản được tính thành lương, có những ý kiến đề nghị cân nhắc thật kỹ và làm rõ những khoản phụ cấp. Hiện nay, chúng ta đang áp dụng các khoản phụ cấp (chức vụ, trách nhiệm, phụ cấp thâm niên đối với một số nghề…), trả riêng ngoài lương, nếu Đề án mới thực hiện cách tính 30% vào lương là quá cao. Bởi về nguyên tắc, tiền lương phải là thu nhập chủ yếu cho NLĐ. Ông Dương Văn Sao đề nghị nâng mức lương cơ bản lên 75%, các khoản phụ cấp 25% và 15% tiền thưởng. “Khi có tiền thưởng thỏa đáng sẽ tạo động lực cho NLĐ phát huy sáng kiến vào hoạt động chuyên môn góp phần giúp nền kinh tế ngày càng phát triển” – ông Sao nhận định.

Trong khi ấy, ông Nguyễn Khắc Thành - Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai) cho rằng, với cách tính 30% các khoản phụ cấp vào lương sẽ rất thiệt cho ngành giáo dục. Bởi hiện nay, phụ cấp ưu đãi giáo viên 30%; những người thực dạy 60 tháng trở lên, mỗi năm được cộng thêm 1% lương. Trường hợp hơn 20 năm trong nghề, phụ cấp 2 khoản được trên 50%, cao hơn quy định 30% của Đề án. Vì thế, nên bổ sung thêm vào Đề án một số ngành nghề được hưởng phụ cấp đặc biệt, trong đó có giáo dục. Nhưng theo quan điểm của TS Nguyễn Hữu Dũng, để đảm bảo công bằng giữa các ngành nghề cần tính gộp các khoản phụ cấp lại theo các nhóm. Bao gồm nhóm ưu đãi theo nghề (giáo dục, y tế, văn nghệ sĩ…); nhóm ưu đãi điều kiện lao động nặng nhọc; nhóm ưu đãi theo độ phức tạp của công việc và nhóm ưu đãi thu hút lao động làm việc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

So với hiện nay, Đề án mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận khu vực thị trường với 5 bảng lương (1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, CCVC giữ chức vụ lãnh đạo; 1 bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với CCVC không giữ chức vụ lãnh đạo và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang). Chiếu theo các bảng này, lương của nhà giáo chưa được thể hiện rõ như tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục và cần được xếp ở vị trí cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất. Vì thế, một số chuyên gia giáo dục đề nghị có thêm bảng lương cho các ngành nghề đặc thù như giáo dục, y tế...

Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Lê Đình Quảng:

Cần sự can thiệp của Nhà nước vào lương doanh nghiệp

Tôi đồng ý với quan điểm tiền lương vận hành theo cơ chế thị trường, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào chính sách tiền lương của DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vai trò quản lý Nhà nước vào lương DN là rất cần thiết, đặc biệt là việc hàng năm ban hành các mức lương tối thiểu vùng.

Lương tối thiểu là sàn thấp nhất để NLĐ và sử dụng lao động thương lượng khi hiện nay thu nhập đời sống của NLĐ rất thấp; ý thức pháp luật của NLĐ và người sử dụng lao động chưa cao. Trong khi ấy, năng lực thương lượng của tổ chức công đoàn và NLĐ còn nhiều hạn chế, NLĐ luôn nằm ở thế yếu trong quan hệ lao động. Vì thế, Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì quy định mức lương tối thiểu, còn nếu buông tay thì DN ép NLĐ; khi đó đội ngũ công nhân phản ứng đình công, ngừng việc tập thể - vấn đề này vẫn diễn ra nhiều, có liên quan đến việc trả lương.