Đề án Thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây: Đưa văn minh thương mại tới chợ truyền thống

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sau một năm triển khai đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội" đã góp phần hình thành ý thức văn minh thương mại hiện đại cho người tiêu dùng và cửa hàng kinh doanh trái cây của Hà Nội.

780 cửa hàng đáp ứng yêu cầu
Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2019, trên địa bàn 12 quận nội thành có 798 cửa hàng kinh doanh trái cây, trong đó 780 cửa hàng đáp ứng được yêu cầu đề án. UBND các quận đã gia hạn, cấp mới biển nhận diện cho 780/798 cửa hàng (đạt 97,74%). Song song với việc quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, TP còn triển khai thí điểm tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Đến nay, đã có 40 tuyến phố trên 12 quận thực hiện.
Nhân viên cửa hàng trái cây luôn tươi sạch trên phố Trần Thánh Tông giới thiệu trái cây đảm bảo ATTP tới người tiêu dùng. Ảnh: Lê Nam
Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức 10 hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện đề án cho cán bộ quản lý ATTP, các cơ sở kinh doanh trái cây tại 12 quận. Đồng thời, giới thiệu chương trình vay vốn ưu đãi tại Quỹ Đầu tư Phát triển TP và một số ngân hàng thương mại; làm việc với đại diện 2 nhãn hàng chuyên cung cấp tủ bảo quản để hỗ trợ giảm giá bán thiết bị từ 10 - 15% so với giá trên thị trường cho các cửa hàng kinh doanh trái cây...

"Nhằm đảm bảo kỷ cương, Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu lực lượng chức năng các quận triệt để xử lý việc buôn bán trái cây trên vỉa hè, lòng đường. Với mong muốn người dân Thủ đô được tiêu dùng trái cây sạch, rõ nguồn gốc, bảo đảm chất lượng, Sở Công Thương đang xây dựng dự thảo Đề án “Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 – 2020”, sắp tới sẽ trình UBND TP phê duyệt." - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm hỗ trợ DN bán lẻ, chuỗi cửa hàng kinh doanh trái cây tiếp cận được nguồn hàng đảm bảo VSATTP, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, TP đã tổ chức các hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm, trái cây với các tỉnh Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương..., đồng thời kết nối DN với các chuỗi liên kết sản xuất trái cây an toàn Hà Nội như chuỗi cam Canh tại HTX Kim An (huyện Thanh Oai).
Mở rộng đề án tới các chợ truyền thống
Thực tế cho thấy, nguồn hàng cung cấp trái cây cho TP được vận chuyển qua đường hàng không, đường bộ... nên nhiều hộ kinh doanh trái cây chợ đầu mối không đủ hồ sơ, giấy tờ nguồn gốc xuất xứ, dẫn đến các cửa hàng nhỏ lẻ khi tiêu thụ cũng không có những loại giấy tờ này.
Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen tiện đâu mua đấy, không chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm đã tạo cơ hội cho các hàng trái cây bán rong tồn tại. Một số cửa hàng nhỏ lẻ khó trang bị đầy đủ cơ sở vật chất theo yêu cầu của đề án nên chưa đủ điều kiện cấp biển nhận diện.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, từ nay đến hết năm 2019, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia đề án tới các hộ kinh doanh trái cây tại thị trấn, chợ đầu mối. Để làm được điều này, Sở Công Thương Hà Nội tăng cường tuyên truyền tới các hộ kinh doanh hiểu về hiệu quả đề án, quy định của pháp luật về quản lý, kinh doanh trái cây.
Ngoài ra, phối hợp với các lực lượng chức năng, UBND các quận, huyện rà soát, hướng dẫn các hộ kinh doanh trái cây tại chợ đầu mối hoàn thiện các thủ tục, điều kiện cấp biển nhận diện. “Những hộ đảm bảo đủ điều kiện, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiến hành cấp biển nhận diện trong quý III, quý IV/2019” - ông Thăng chia sẻ.
Không chỉ có vậy, thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, trong quá trình mở rộng đề án tới hệ thống chợ truyền thống, ngành công thương đã đẩy mạnh việc ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động quản lý kinh doanh trái cây.
Cụ thể, đã cập nhật danh sách các cửa hàng kinh doanh trái cây trên bản đồ mua sắm của TP; xây dựng trang thông tin TP Hà Nội phục vụ tra cứu về trái cây của các tỉnh, TP trong cả nước; truy xuất nguồn gốc, xuất xứ trái cây bằng mã QR.
“Trong quá trình triển khai đề án, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Hiệp hội DN vừa và nhỏ xây dựng, áp dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Đến nay, 80,5% các cửa hàng kinh doanh trái cây đã dán tem truy xuất nguồn gốc trái cây bằng mã QR” - ông Thăng cho biết.

6 tháng đầu năm 2019, lực lượng quản lý thị trường qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm về ATTP, niêm yết giá bán, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11,8 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm trên 23 triệu đồng. Đặc biệt, UBND quận Hà Đông đã tiến hành kiểm tra 6 cửa hàng kinh doanh trái cây, qua đó phát hiện xử lý 3 cửa hàng bán hàng không niêm yết giá. UBND quận Hoàn Kiếm đã tiến hành kiểm tra, xử phạt đối với Công ty TNHH L’space, địa chỉ 63 Lý Thường Kiệt 29 triệu đồng do vi phạm về an toàn thực phẩm.