Đề án thu phí xe ôtô đỗ trên 35 tuyến đường: Cần công bằng trong mức thu phí

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi phản biện Dự thảo đề án điều chỉnh tăng mức thu phí đỗ xe ôtô trên 35 tuyến đường thuộc TP Hồ Chí Minh diễn ra ngày 28/2.

 Toàn cảnh buổi phản biện đề án tăng mức thu phí do Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Ai chịu trách nhiệm khi xảy ra mất cắp
Thượng tá Trần Văn Thương - Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng PC67 đồng tình với đề án do Sở Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra. Tuy nhiên, trong 35 tuyến đường vẫn có một số tuyến đường quá ngắn như đường Lê Hồng Phong (đoạn quận 5, từ Trần Phú - Nguyễn Trãi, dài 350m), Nguyễn Du (quận 1, từ huyền Trân Công Chúa - số nhà 112, dài 190m), vì vậy nên chọn chỗ phù hợp để làm nơi đỗ xe.

Cũng theo thượng tá Thương, về trách nhiệm dân sự khi đã thu phí của chủ xe, nếu xảy ra trường hợp xe ôtô của họ bị mất cắp logo hay gương chiếu hậu thì ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường? Đối với vỉa hè không nên làm chỗ đỗ xe vì diện tích đã không đủ cho người đi bộ, vì vậy chỉ nên cho đỗ dưới lòng đường.

Đồng quan điểm nêu trên, bà Nguyễn Ngọc Cẩm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 15, quận 5 cho rằng, việc điều chỉnh tăng mức thu phí là cần thiết nhằm xử lý việc đỗ xe tràn lan. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều từ phía người có xe ôtô. Đó là họ đã đóng nhiều loại phí, nay đóng nữa là bất cập. Khi đã nộp phí thì ai là người giữ xe của họ? Lỡ bị mất cắp thì sao? “Quận 5 là địa bàn có nhiều hộ kinh doanh, buôn bán nên khá nhiều xe ôtô. Vì thế cần tính toán mặt bằng, giá đậu xe trên mỗi tuyến đường. Cần quy định thống nhất về mức phí, công khai minh bạch mức thu, thời gian đậu xe”.
Tăng mức thu để tránh đậu ôtô tràn lan?

Đại diện UBND phường Bến Nghé (quận 1) cho rằng, tình trạng ôtô đậu tràn lan dưới lòng đường gây ùn tắc giao thông. Vì thế mức thu phí đưa ra đối với các tuyến đường trung tâm cần cao hơn so mức đề án nêu nhằm hạn chế người dân đỗ xe dưới lòng đường. Trong đề án cũng cần nghiên cứu mở rộng đối tượng được đỗ xe là ôtô khách trên 16 chỗ và ôtô tải trên 2,5 tấn.

Đồng quan điểm tăng mức phí là luật gia Phan Thị Thu, tiến sĩ Bùi Thế Du cùng nhiều đại biểu khác. Theo họ, mức 5.000 đồng/lượt hiện nay chỉ là bề “nổi”, thực chất xe ôtô muốn đỗ dưới lòng đường tại khu vực trung tâm quận 1 cao hơn 25.000 đồng. Tuy nhiên, tiến sĩ Du cũng như luật gia Thu cùng nhiều đại biểu khác đều có chung thắc mắc: Đề án chưa nêu rõ việc sử dụng nguồn thu như thế nào? Cho rằng các quận sẽ phối hợp với nhà mạng thu phí nhưng trong đề án lại chỉ nêu mỗi nhà mạng?

Ngoài các ý kiến nêu trên, có nhiều ý kiến lại cho rằng, hiện nay TP Hồ Chí Minh vẫn thu 5.000 đồng/lượt đỗ xe, nay tăng đến 25.000 đồng, cao hơn 20% so với các điểm giữ xe ở các tòa nhà cao tầng, liệu có gây “sốc” cho xã hội? Trả lời câu hỏi này, đại diện Sở Tài chính cho rằng mức phí sẽ do HĐND TP quyết định. Phí cao hơn 20% so với các điểm giữ xe nhằm hạn chế việc đậu xe dưới lòng - lề đường, khuyến khích người dân gửi xe tại các điểm giữ xe. Việc cho rằng hiện nay chỉ thu 5.000 đồng/lượt, mức thu này đã 13 năm nay và so với hiện tại là không hợp lý.
Đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 5.
5.000 đồng/tin nhắn là không hợp lý

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Nhã Nam cho rằng, đề án dựa trên nền tảng ứng dụng thông minh, nhưng lại không có thông tin giới thiệu cơ bản. Việc ứng dụng công nghệ thông minh nhưng lại áp dụng tin nhắn SMS là quá lạc hậu vì hiện nay đa phần người dân sử dụng 3G, 4G và nhắn tin qua Zalo, Facebook.

Trong đề án nêu việc thu phí qua SMS với 5.000 đồng/tin nhắn là quá đắt và không hợp lý. Nếu người muốn đỗ ôtô nhắn tin, sau đó nhà mạng phản hồi hết chỗ là tốn 5.000 đồng, nhắn tiếp lại hết chỗ phải tốn thêm 5.000 đồng nữa. “Tại sao không sử dụng App hoặc nền tảng công nghệ khác mà lại dùng SMS? Chưa kể trong đề án không thấy nhắc gì đến người trông xe, không nói hiệu quả sau khi thử nghiệm tại 3 tuyến đường ở quận 1”, tiến sĩ Nhã Nam thắc mắc.

Còn luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, đề án này nằm trong nhiều chương trình của TP Hồ Chí Minh. Mục đích tăng mức phí nhưng không nên tăng đột ngột mà cần phải có lộ trình. Vì vừa qua Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54 áp dụng riêng cho TP từ ngày 15/1/2018. Trong khi Nghị quyết 54 chỉ kéo dài 5 năm.

“Khi tiến hành thực hiện cũng cần công bằng, không thể làm trái với điều 8 của Luật Phí - Lệ phí, trong khi đề án này lại đang trái với luật trên. Ở TP Hà Nội thực hiện bình đẳng mức phí giữa các quận, huyện nhưng trong đề án này lại chia thành 2 khu vực (quận 1, 3, 5 với quận 10, 11), trong khi có diện tích ôtô như nhau, chỗ đậu như nhau, vì vậy cần thống nhất 1 mức phí. Đồng thời, làm rõ mức 25% dành cho người thu phí để không gây ra quá nhiều ý kiến trong nhân dân”, luật sư Trương Thị Hòa nêu quan điểm.

Thực hiện đề án sẽ giảm ùn tắc giao thông

Theo ông Võ Khắc Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, vấn đề công khai minh bạch trong thu - chi đều được đưa lên trang web của Sở GTVT. Việc tính giờ đỗ xe tại các tuyến đường sẽ không bị phản ứng vì đã có hệ thống 600 camera của CSGT.

"Đề án này hiện đang trong giai đoạn lấy ý kiến. Chúng tôi sẽ trình lại UBND TP để xin ý kiến, sau đó sẽ trình lại để HĐND TP thông qua. Đề án này đúng ra làm từ lâu vì qua khảo sát sẽ làm chuyển biến tình trạng ùn tắc giao thông tại trung tâm TP”, ông Hưng nói.

Danh sách 35 tuyến phố

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần