Để cải cách thực chất hơn

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin được Bộ Tài chính đưa ra tại Hội nghị "Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” ngày 24/7 cho thấy, hiện tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia. 99,65% DN tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, để thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN vẫn còn thách thức không nhỏ.

 Toàn cảnh hội nghị
Thực tế hiện nay, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây, đối với hàng luồng vàng, thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc. Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, có 11 bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 DN được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. 
Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các ưu tiên cải cách hành chính nhằm thúc đẩy cơ chế một cửa, tạo thuận lợi cho giao thương quốc tế đã và đang được cộng đồng DN trong nước cũng như thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, mục tiêu đến cuối năm phải tăng từ 53 thủ tục lên 143 thủ tục liên thông qua Cơ chế một cửa quốc gia vẫn là một bài toán đầy thách thức. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của các cơ quan quản lý để có những giải pháp phù hợp hơn mang lại hiệu quả cao hơn cho DN trong thực hiện các thủ tục thông quan.

Ngoài mục tiêu liên thông các thủ tục lớn, câu chuyện làm thế nào để việc triển khai cơ chế một cửa đi vào thực chất hơn cũng được các đại biểu đề cập đến. Cụ thể, các DN phản ánh, một số thủ tục vẫn ở tình trạng “nửa vời”, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, DN vẫn bị yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy. Nhiều thủ tục chồng chéo… gây kéo dài thời gian làm thủ tục cho DN. Câu hỏi đặt ra, làm thế nào để Cơ chế một cửa quốc gia đạt được các mục tiêu đề ra, mang lại hiệu quả thực sự cho DN?

Lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết liệt chỉ đạo cần chấm dứt tình trạng nói nhiều nhưng không hành động khiến DN mất nhiều thời gian, gây chậm trễ. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải làm quyết liệt, liên tục để cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan. Các chính sách phải làm sao để khi đến Việt Nam, người dân, DN đầu tư nước ngoài, khách du lịch có môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất, mọi người thấy thoải mái, thuận lợi như về nhà của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần