Đề cao quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 400 doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đã tham dự Chương trình “Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH&ĐT) tổ chức ngày 19/6.

 Các diễn giả, chuyên gia kinh tế chia sẻ với các doanh nghiệp.
Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam, Công ty cổ phần (PVGAS), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power).
Theo Ban tổ chức, Diễn đàn là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và đầu tư nhìn lại toàn cảnh nền kinh tế và định hướng cho những năm tiếp theo, thảo luận và đối thoại về những nhu cầu, vấn đề thực tiễn cấp thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp để các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung vào 2 chủ đề: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, căn cứ vào Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình nhằm tạo một diễn đàn đa chiều, thảo luận về tình hình kinh tế và phát triển kinh doanh trên thế giới và Việt Nam. Các đại biểu đã chỉ ra, tổ chức sản xuất và cơ cấu ngành kinh tế cần theo hướng tăng dần các sản phẩm mang hàm lượng giá trị gia tăng cao, động viên các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực hơn trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

TS Trần Thị Hồng Minh - Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) thông tin, từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong các năm 2016, 2017, tình hình doanh nghiệp thành lập mới đã liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng và số vốn đăng ký. Cụ thể, năm 2016 có hơn 110.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, năm 2017 có gần 127.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 1 triệu 295.911 tỷ đồng. Trong năm tháng 2018, có 52.322 doanh nghiệp mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 17,9% so với cùng kỳ 2016. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể không có nhiều biến động.

“Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể) trên tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường (doanh nghiệp thành lập mới và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động) trong các năm 2016 là 47,4% và 2017 là 53,55%. Đây là con số năm trong giới hạn thông thường nếu so sánh với các quốc gia khác trên thế giới”, bà Minh nói.

Tuy nhiên, theo theo bà Minh, dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhiều, song hiện vẫn còn một số khó khăn nhất định. Do đó, để giải quyết bài toán này, cần tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Nhất là, cải cách mạnh hệ thống pháp luật về doanh nghiệp theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, đảm bảo trật tự và tính an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong công tác hậu kiểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần