Đề cao vai trò giám sát và phản biện xã hội

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám sát và phản biện xã hội (PBXH) là một nhiệm vụ trọng tâm Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã thực hiện hiệu quả trong năm 2017, góp phần tích vực vào xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP xác định là năm tập trung cho cơ sở. Vì thế, ngay từ đầu năm, Thường trực MTTQ Việt Nam TP đã làm việc với Mặt trận, cấp ủy Đảng, chính quyền ở 30 quận, huyện, thị xã để tháo gỡ khó khăn. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, Mặt trận các cấp cũng đã tham gia tích cực góp ý kiến vào các dự án Luật, văn bản Quy phạm pháp luật của TP. 
 Luật Thủ đô ra đời góp phần quan trọng vào việc xây dựng Hà Nội văn minh, hiện đại và phát triển. Ảnh: Thanh Hải
Về công tác giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã tập trung giám sát việc quản lý nhà nước ở các địa phương, nhất là những vấn đề dân sinh bức xúc về bảo đảm an toàn thực phẩm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trật tự đô thị, nông thôn. Đáng chú ý, Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở các cơ sở đã tổ chức giám sát được gần 17,5 nghìn cuộc. Trong đó, phát hiện 2.460 vụ vi phạm; đề xuất, kiến nghị 2.356 vụ cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước hơn 11 nghìn mét vuông đất.

Đối với công tác tiếp công dân, MTTQ các cấp đã tiếp nhận hơn 9,5 nghìn đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Từ đó, đã phân loại và chuyển kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Bùi Anh Tuấn, việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo theo hệ thống MTTQ các cấp đã được triển khai sâu rộng. Hàng quý, các Ban Thanh tra đều tổ chức giao ban để đánh giá lại các hoạt động, từ đó rút kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa công tác thanh tra. “Đối với công tác thanh tra thì quan trọng nhất là số lượng và chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực. Cần phải rà soát và có chính sách thu hút những người ưu tú trên địa bàn để mời họ tham gia vào công tác này” – ông Bùi Anh Tuấn gợi mở.

Thực tế, PBXH của Mặt trận là nội dung mới bắt đầu thực hiện từ sau khi có Luật Mặt trận Tổ quốc năm 2015. Trước khi Luật này được thông qua, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa Mặt trận và HĐND, UBND về cơ chế PBXH. Bởi thế, giờ đây việc thực hiện phản biện còn thuận lợi hơn bởi không những có Luật Mặt trận Tổ quốc năm 2015 quy định mà còn có Nghị quyết liên lịch 403 hướng dẫn chi tiết các hình thức giám sát, PBXH.

Trong năm qua, MTTQ TP Hà Nội đã luôn sẵn sàng tổ chức các hội nghị phản biện trên mọi lĩnh vực theo đề nghị của chính quyền các cấp. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và cơ sở đã tổ chức hơn 550 hội nghị PBXH. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã PBXH 5 vấn đề mà UBND TP trình HĐND TP tại các kỳ họp như tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm tải ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP; quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2017 – 2018; rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP…

Bên cạnh đó, với 420 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền với Nhân dân do MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn TP phối hợp tổ chức, Nhân dân đã gửi gắm được ý kiến của mình về vấn đề xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh để chính quyền địa phương xem xét và nghiên cứu. Nhìn chung các hội nghị đối thoại đều đảm bảo được mục tiêu, yêu cầu, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân được tham gia xây dựng đảng, chính quyền, xây dựng địa bàn dân cư.

Từ đó mới thấy rằng địa phương nào cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo, MTTQ và chính quyền phối hợp chặt chẽ thì chắc chắn địa phương đó sẽ làm tốt vai trò giám sát và PBXH.