Đề cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ

Minh Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong học và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức học tập. Đó là một trong những nội dung đang được tập trung thực hiện để việc học và làm Bác ngày càng hiệu quả.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của UBND huyện Phú Xuyên. Ảnh: Công Tâm
Tạo ra những kết quả cụ thể

Khi đánh giá lại kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", trong Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện nội dung này vừa qua, Bộ Chính trị đã nhận định, 5 năm qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 05, gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, có sức lan tỏa trong Đảng và toàn xã hội. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, thúc đẩy việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu...

Thực tế tại các địa phương cũng như TP Hà Nội cho thấy, các cán bộ, đảng viên và người lao động tại cơ quan, đơn vị đã thể hiện nhận thức về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. thực hiện tốt phương châm nêu gương “nói đi đôi với làm”; lấy đổi mới là phương pháp tư duy, lấy hiệu quả nêu gương và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao làm cơ sở để đánh giá kết quả làm theo. Việc biểu dương phải có sức thuyết phục, đúng người, đúng việc, đúng thời điểm để tạo sức lan tỏa tác động sâu sắc tới tư tưởng, tình cảm của mỗi cán bộ, đảng viên, biến thành động cơ hành động của mỗi người. Từ kết quả này, học và làm theo Bác không còn là khái niệm chung chung và đã tạo ra những kết quả cụ thể mà người dân cảm nhận, thấy rõ được.

Trong đó, với mục tiêu lấy người dân và DN làm trọng tâm để phục vụ, tất cả hệ thống bộ máy chính trị của TP Hà Nội đã quyết tâm thực hiện việc tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Những mô hình như “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”, “Nụ cười công sở” được triển khai và lan tỏa; nhiều kết quả giải quyết thủ tục hành chính được trả tại nhà cho người dân. “Thư xin lỗi”, “Thư cảm ơn”, “Thư chúc mừng”, “Thư chia buồn”... đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền tới người dân. Không những thế, với việc mỗi năm hàng nghìn thủ tục hành chính được các cơ quan của TP kiến nghị đơn giản hóa, đã giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí khi làm thủ tục. Tại các quận, huyện, các buổi đối thoại giữa lãnh đạo và người dân, những việc lớn như GPMB, quản lý đất đai đến những việc nhỏ như vệ sinh ngõ xóm, thu gom rác thải... đều được trả lời, giải trình rõ ràng. Từng kiến nghị của người dân được xem xét, xử lý đã tạo đồng thuận từ cơ sở, giúp người dân tin tưởng vào chính quyền hơn.

"Trên trước, dưới sau"

Để việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị thời gian tới đạt hiệu quả thiết thực, Bộ Chính trị đã yêu cầu các cấp ủy phải quán triệt, tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong đó, nhiều yêu cầu đã được đưa ra, trong đó có kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giải quyết hiệu quả các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm, bức xúc trong thực tiễn… Đặc biệt, trong quá trình tổ chức thực hiện, phải đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Việc tự giác nêu gương để khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu "trên trước, dưới sau", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau"…

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng), lần này Bộ Chính trị tiếp tục nhấn mạnh phương châm “trên trước, dưới sau”; “trong trước, ngoài sau”, trong đó rất quan trọng là phải đề cao trách nhiệm nêu gương tự giác học trước, làm theo trước của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là rất quan trọng. Bởi phẩm chất và năng lực của người đứng đầu, sự mẫu mực, nêu gương cũng như thái độ kiên quyết đấu tranh của họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Gương mẫu của người đứng đầu còn tạo ra động lực để thúc đẩy niềm tin của Nhân dân. Đồng thời, từ thực tiễn cũng cho thấy, hiện nhiều cơ quan đã xây dựng quy định cụ thể về chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; nghiên cứu, xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân, đó là những giải pháp để việc học và làm theo Bác ngày càng hiệu quả.

Sự gương mẫu rất quan trọng, là minh chứng sinh động bảo đảm việc thực hiện Nghị quyết, văn kiện của Đảng đi vào cuộc sống có hiệu quả. Trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị - xã hội, xây dựng bộ máy, chống tiêu cực, tham nhũng… nếu người đứng đầu đề cao trách nhiệm vào cuộc và bản thân họ cũng là người trong sạch, gương mẫu thì mọi việc sẽ ổn.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần