Để cơ chế một cửa quốc gia thực chất hơn

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu của Bộ Tài chính, sau gần 3 năm triển khai, các cải cách thủ tục hành chính thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia đang được thực hiện quyết liệt (đạt tỷ lệ 78%) và được cộng đồng DN đón nhận tích cực.

Tuy nhiên, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn chiếm tỷ lệ lớn, một số thủ tục thông quan cải cách chưa đi vào thực chất… Vì thế, làm thế nào để cơ chế một cửa quốc gia đạt được các mục tiêu đề ra, mang lại hiệu quả thực sự cho DN là câu chuyện đang được Bộ Tài chính và nhiều Bộ, ngành quan tâm.
 Hình minh họa.
Tính đến 15/7/2018, đã có 11 Bộ, ngành kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính, cùng với đó là 1,34 triệu hồ sơ với 22.800 DN được xử lý thông qua cơ chế một cửa quốc gia. Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng DN. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu đã giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ). Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Quý I/2018 có hơn 82.000 mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành, nhưng đến quý II/2018 đã giảm còn 78.390 mặt hàng. Số tờ khai nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu trong năm 2015 khoảng 30%, đến hết năm 2017 giảm còn 19,4%.
Tuy nhiên, vấn đề mà DN phàn nàn là công tác kiểm tra chuyên ngành. Các thủ tục kiểm tra vẫn nhiều, chồng chéo, gây khó cho DN. Phía Tổng cục Hải quan thừa nhận, lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó, việc triển khai các cải cách theo Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất vì khi một số thủ tục thông quan qua một cửa của DN vừa phải gửi hồ sơ điện tử, vừa phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy. Đáng nói là nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan… Thanh toán và kiểm soát chứng từ thanh toán cho các giao dịch thương mại xuyên biên giới... thời gian thông quan tại cửa khẩu kéo dài. Tư duy yêu cầu cung cấp chứng từ, thông tin dư thừa vẫn còn tồn tại trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật. Thủ tục hành chính trong quản lý chuyên ngành chưa chuyển sang tự động hóa, mới chỉ dừng ở tin học hóa quy trình thủ công, chưa đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ chứng từ phải xuất trình một cách triệt để...
Vì thế, thay đổi tư duy “giấy” của cán bộ, công chức; phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm thêm các thủ tục không cần thiết, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu… là cần làm ngay để việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia đạt được các mục tiêu đề ra. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến hết năm 2019, các thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của DN, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% tổng số các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành liên quan đến hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu, xuất cảnh/nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện. Sang năm 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần