Để có một “kỳ tích sông Hồng”

Vân Hằng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết luận chính thức của TP về ba mục tiêu nghiên cứu quy hoạch dọc hai bên sông Hồng, một lần nữa thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh - Ủy viên Ban Thường trực Hội KTS Hà Nội, chuyên gia về phản biện quy hoạch đô thị Việt Nam đã có trao đổi với Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.
Vùng đất sinh ra từ nước
Thưa ông, Hà Nội vừa có yêu cầu nghiên cứu quy hoạch dọc hai bên sông Hồng theo hướng: Bảo đảm phòng lũ, tạo lập một đô thị hiện đại, khai thác hiệu quả quỹ đất cho TP để có nguồn lực thực hiện quy hoạch. Ông nhận định như thế nào về các mục tiêu này?
- Cá nhân tôi cho rằng đây là mục tiêu mang tính chất nhiệm vụ. Tuy nhiên, trước hết cần nhìn nhận đúng bản chất của sông Hồng. Dòng sông này có lũ nhưng với biến đổi khí hậu còn có chiều ngược lại là hạn. Một ngày kia khi mở vòi mà không thấy nước chảy, chính lúc ấy mới  thấy sự quý giá của nước. Tại Oman - một quốc gia Trung Đông – Nước là vấn đề tồn vong của cả dân tộc và cả nền văn hóa. Chính vì vậy, 5.000 năm qua  họ không ngừng nghỉ  đào giếng ngầm bằng tay qua các lớp đá cứng,  nằm sâu 18m ngầm dưới cát để có nước ăn và cấy hái. Tại quốc gia giàu có lân cận (UAE), Abu Dhabi với 0,5 triệu dân mỗi ngày dùng 0,3 triệu galon nhiên liệu để đun nước biển lọc ra 100 triệu galon nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt - rõ là nước quý hơn dầu.
 Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên Ban Thường trực Hội KTS Hà Nội
Tại Trung Quốc, hiếm nước không chỉ ở đô thị mà còn đe dọa quy mô quốc gia, nhất là khi tốc độ phát triển nóng. Nạn hiếm nước đặc biệt nghiêm trọng ở đồng bằng Hoa Bắc,  nơi tập trung 1/4 dân số cả nước và là khu vực kinh tế phát triển, tạo ra trên 1/4 GDP của Trung Quốc. Để có đủ lương thực, diện tích tưới nước tại đây đã tăng gấp đôi, hậu quả là mực nước ngầm hạ thấp 30m trong vòng 30 năm qua.
Nghiên cứu tổng thể
Do đó phải nghiên cứu đáp ứng được những yếu tố an toàn thủy hệ sông Hồng trong các tình huống khác nhau của lũ và hạn. Đặc biệt, lũ của sông Hồng còn hai vấn đề: Lũ do thượng nguồn và ngập úng do thiên tai khi quy hoạch chồng chéo, hệ thống thoát nước yếu. Xuất phát từ thực tế đó, phải nhìn tổng thể dòng sông dài trên 1.600km và 700km chảy vào Việt Nam chứ không thể chỉ nhìn “một đoạn ngắn” 40km. Để giải quyết vấn đề thủy hệ sông Hồng không còn là chuyện ở Hà Nội mà cả vùng đồng bằng Bắc bộ với hệ thống hồ đập trữ nước, tránh cả hai mùa khô hạn.
Ở khía cạnh khác, một đô thị hiện đại mà dòng sông trơ đáy thì hiện đại bao nhiêu cũng vô nghĩa. Thực tế rất rõ ở Trung Quốc khi sông Hoàng Hà vào mùa lũ cạn nước, dồn tắc, ô nhiễm đã khiến các TP ven sông trở thành thảm họa. Điều quan trọng, phải là một TP sống bền vững, cộng sinh với thiên nhiên, có khả năng thích ứng trong các biến động của thiên nhiên.
Về vấn đề nguồn lực, chúng ta đã có rất nhiều những bài học của bạn bè quốc tế để tham khảo như Singapore. TS Liu Thai Ker - nguyên KTS trưởng Singapore từng chia sẻ đất nước họ mất 25 năm để chuyển đổi từ một TP lạc hậu thành một TP hiện đại, từ năm 1960 đến năm 1985. Các KTS tại Singapore luôn xem quy hoạch TP không phải dự án mà là một chương trình mang tính chất tổng thể. Khi lập kế hoạch cho Singapore, họ ít nghĩ đến tiền hay có khả năng thực hiện hay không mà tập trung xem TP thực sự cần gì? Sau khi quy hoạch tốt mới tìm đến huy động nguồn vốn, tiền ở đâu để hiện thực hóa các ý tưởng đó. Vào năm 1971, Singapore quy hoạch các đường Metro nhưng đến tận năm 1982 mới huy động đủ tiền để xây công trình đó. Khi có tiền rồi, kế hoạch đã có sẵn, dự án thiết kế cũng sẵn sàng. Điều đó có nghĩa, Hà Nội cũng cần quy hoạch cho nhu cầu của người dân, nhu cầu của TP chứ đừng chỉ dựa vào năng lực hay nguồn tiền mà TP có. Phải coi sông Hồng là không gian dự trữ còn lại của Hà Nội để tạo nên động lực phát triển Thủ đô với nguồn lực không giới hạn.
Như phân tích trên, ông nhấn mạnh nhiều đến vấn đề động lực hơn nguồn lực. Vậy theo ông động lực chính của sông Hồng là gì?
- Chính là quy hoạch sông Hồng như lời tuyên ngôn của một TP nhìn nhận tương lai thế nào? Tôi ủng hộ theo cách đẩy việc phát triển sông Hồng đến tầm nhìn có trí tuệ rộng mở hơn, phổ quát hơn. Với những quy hoạch mang tính chất dài hạn, nhiều nước lội ngược dòng ngoạn mục khi giá trị của đất nước đã được thế giới công nhận. Từ nguồn cấp nước sạch, hệ thống giao thông công cộng, chính sách thuế khoán đảm bảo, Chính phủ Manila (Philippines), Singapore đã tạo ra nguồn lực không giới hạn. Tiền đề khiến những món nợ quốc gia được mua đi bán lại với lãi suất cao. Đó là động lực chính của sông Hồng mà tôi muốn bàn ở đây: “Phát huy sức mạnh nội lực bền vững, từ đó dòng tiền đầu tư tự khắc chảy vào”.
Đặc trưng vành đai xanh
Trong trật tự ưu tiên thiếu tiền, thiếu kinh phí thì rõ ràng câu hỏi lấy nguồn vốn từ đâu để phát triển sông Hồng bền vững là không dễ, thưa ông?
- Ngân hàng Thế giới và các tổ chức Liên Hợp quốc đã đưa ra những bài học về các TP thoát nghèo chỉ bởi có giải pháp phát huy nội lực. Đồng thời thay vì tập trung vào các nhà đầu tư lớn thì tạo ra cơ hội cho nhiều thành phần, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư. Đơn cử như Nhật Bản, họ đi đến con đường vững chãi hơn khi tăng dần lên tầng lớp trung lưu tham gia vào động lực phát triển đất nước. Hàng trăm triệu con người sẽ khác hẳn với vài người. Trí tuệ của hàng nghìn DN tham gia vào cuộc chơi vì thế khác vài ba DN. Đa dạng hóa nguồn lực và chia sẻ cơ hội cho số đông sẽ chọn ra được các giải pháp thông minh nhất.
Về lâu dài để tạo được một đô thị hiện đại đúng chuẩn hai bên bờ sông Hồng, cần nâng tính khả thi của dự án này theo hướng nào?
- Trải qua ngàn năm lịch sử, trăm năm tiếp cận với quy hoạch phương Tây, nửa thế kỷ nghiên cứu quy hoạch, Hà Nội ta có hàng chục phương án quy hoạch TP các quy mô, vậy mà giờ đây vẫn lơ lửng câu hỏi: “Đâu là bản sắc Kiến trúc – Quy hoạch Hà Nội?” Phải chăng cái bất ổn bắt nguồn từ trong cách  nghĩ lập phố - đô thị bằng cách cạp nối chắp vá. Nay ta làm ngược lại: Ưu tiên Vành đai Xanh, tạo lập cân bằng sinh thái, ổn định dòng chảy sông nước từ bên ngoài trước, những vùng còn lại mới làm nhà xây phố ở trong… Rất có thể những khu đô thị xanh, nổi lên giữa vùng sông nước bao quanh sẽ là hình ảnh đặc trưng của Hà Nội mới.
Đối mặt với những thách thức mới mẻ là một cơ hội lớn cho nhiều thế hệ trưởng thành: Hàng chục trường đại học, viện nghiên cứu, hàng trăm công ty tư vấn, hàng vạn kỹ sư, kiến trúc sư lấy sông Hồng là đối tượng để cùng nghiên cứu, tìm cho ra giải pháp thấu đáo mọi bề: từ thủy lợi đến môi sinh, từ tài chính đô thị đến không gian kiến trúc - văn hóa – lịch sử hay chi li hơn là ứng dụng CNTT vào việc khảo sát, điều tra xã hội học, lập kế hoạch giải tỏa, dịch cư lập các mô hình thủy văn, thổ nhưỡng... Làm theo cách ấy, phải chăng Hà Nội sẽ làm nên “kỳ tích Sông Hồng”.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần