Để doanh nghiệp tư nhân phát triển: Phải bỏ tư tưởng thân hữu

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN thành lập mới đã dễ dàng hơn nhiều, vấn đề là để duy trì, sống khỏe mới là quan trọng. Quá trình chuyển động chính sách tới nên lấy thị trường làm nguyên tắc cơ bản.

 Đây cũng là ý kiến của các chuyên gia tại Diễn đàn DN 2017 với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho DN tư nhân phát triển” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức chiều 26/10.
Mới chỉ giải quyết khâu gia nhập thị trường

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư Phan Đức Hiếu, trong 5 rào cản khó khăn, tác động đến hiệu quả kinh doanh và sự tồn tại của DN là: Gánh nặng pháp luật – chi phí tuân thủ; Rủi ro pháp lý; An toàn và bảo vệ quyền tài sản; Chính sách cạnh tranh và Quản trị DN thì hiện nay các Nghị quyết của Chính phủ mới tập trung giải quyết một yếu tố đó là, cắt giảm thời gian, chi phí cho DN. Còn lại vẫn ở mức khiêm tốn.

Kiểm tra sản phẩm tại Công ty TNHH nhựa Hạ Long, khu công nghiệp Sóc Sơn. Ảnh:  Thanh Hải

“Năng lực cạnh tranh của Việt Nam được đánh giá đã tăng 5 bậc nhưng nhìn vào các chỉ số nhỏ như chống độc quyền và đảm bảo cạnh tranh chỉ số của ta rất thấp, xếp thứ 94/138 quốc gia. Điều đó có nghĩa thực thi cạnh tranh của Việt Nam còn khá mới mẻ”- ông Hiếu nhận xét. Trong thẻ điểm quản trị DN của ta ở ASEAN, Việt Nam rơi vào 35/100 điểm thấp hơn rất nhiều các nước trong khu vực.

TS Võ Trí Thành bổ sung, cắt giảm thủ tục hành chính nhưng cơ bản mới xử lý được 1 vấn đề trong kinh doanh như nêu trên thì mức độ cạnh tranh cũng như chế tài thực thi hợp đồng kinh doanh còn thấp. “DN Việt lớn theo đúng nghĩa hiện nay chưa có. Thực tế DN Việt còn nhiều khó khăn, công nghệ sáng tạo rất thấp và chưa thể chi phối được mạng phân phối…”. Cả 3 vấn đề này, theo ông Võ Trí Thành vẫn còn rất nhiều dư địa để cải cách.

Môi trường cạnh tranh cần bình đẳng, minh bạch

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ, trong 5 trụ cột cần quan tâm, cần bổ sung thêm trụ cột văn hóa thị trường, vì đây là yếu tố yếu nhất hiện nay. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ 80/180 nước có kinh tế thị trường. Còn điều tra của VCCI năm 2016 chỉ có 1 thủ tục là chi phí tham gia thị trường, đăng ký thành lập DN tốt hơn 2015. Trong khi 4 thủ tục khác như vay vốn, đất đai… đều thấp hơn năm trước.

“Trong khi DN lớn xin đất dễ hơn DN nhỏ và vừa, thậm chí có đất rồi còn chưa phải trả tiền sử dụng (trong khi theo Luật Đất đai phải trả ngay tiền) hoặc khai thác xong thu tiền mới trả dần. Đây là điều bất bình đẳng”- ông Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi và khẳng định có đến 80% DN tư nhân đại gia chủ yếu của Việt Nam lớn lên bằng đất. Như vậy sẽ không đóng góp về khoa học công nghệ, không tạo được nhiều giá trị hay sự lan tỏa.

Với tư cách là người làm chính sách, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, môi trường kinh doanh tốt giống như bể cá, DN là cá bơi trong đó. DN thực sự phải cạnh tranh phải bơi được bằng trí tuệ. Nếu DN đi lên bằng thân hữu sẽ như “đầu tư quan hệ, công nghệ phong bì” chứ không phải đầu tư bằng thực lực sẽ phát triển không bền vững. Các chuyên gia nhấn mạnh, trong điều kiện vẫn thiếu có sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch theo cơ chế thị trường thì rất khó có thể hình thành được những DN thực sự lớn, có sức cạnh tranh trong khu vực. Chấm dứt “tư tưởng thân hữu” mới mong DN tư nhân mạnh lên.

Chi phí không chính thức theo khảo sát của VCCI chiếm 6 - 10% chi phí DN, đối với một DN mà lợi nhuận chỉ 2 - 4% trong khi chi phí lên đến 10% thì khó cạnh tranh được.

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn