Để du khách không bỏ hội về

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa cao điểm của lễ hội 2018 dần qua đi, hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ đã được tổ chức.

Năm nay, nhiều lễ hội xóa bỏ được cảnh tượng giẫm đạp, xô đẩy vì cướp lộc; chém lợn, đâm trâu gần như không còn. Nhưng nhiều người cũng đặt câu hỏi, phải chăng lễ hội của dân đang bị hành chính hóa theo phương thức tổ chức giống nhau?.
Đã bớt phản cảm

Lễ hội hoa hồng Bulgaria và Bạn bè 2018 cho dù còn diễn ra đến ngày 11/3. Nhưng với những gì diễn ra vào hôm khai mạc (8/3) nhiều người đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Bởi vì, năm 2017, Lễ hội hoa hồng Bulgarai và Bạn bè tốn không biết bao nhiêu giấy mực của truyền thông để phê phán phản cảm. Cho dù, đây là lễ hội mới du nhập vào Việt Nam, nhưng cảnh chợ phe vé hoành hành; hay người dự hội ngỡ ngàng vì nhiều hoa hồng giả hay hoa hồng thật; hoa thật bị giẫm đạp... khiến bức tranh lễ hội xấu xí. Năm nay, Lễ hội hoa hồng Bulgaria và Bạn bè không còn những cảnh tượng ấy. Ban tổ chức trưng bày hoa hồng thật. Hết cảnh tắc nghẽn vì xem hoa, chụp ảnh tự sướng với hoa…
 Rước cầu húc lên đền Thượng tại Lễ hội đền Sóc 2018.   Ảnh Nguyễn Quyết
Lễ hội hoa hồng Bulgaria và Bạn bè 2018 chỉ là một trong hàng chục lễ hội phản cảm được chấn chỉnh thành công. Khác với năm 2017 và các năm trước, Hà Nội với Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn) bỏ màn cướp lộc thành tất lộc nên hội đã yên bình, Lễ hội chùa Hương cũng khai màn vui tươi, không có còn sư thầy phát lộc tự phát; tỉnh Yên Bái từ 8 lễ hội chọi trâu đã giảm xuống 1 và xóa bỏ hoàn toàn cảnh đâm trâu, chém trâu; tỉnh Vĩnh Phúc cũng không còn tái diễn hình ảnh cả làng chạy xô đi cướp manh chiếu ở Lễ hội cướp chiếu Đức Bụt. Ngoài Lễ hội cướp Phết Hiền Quan (Phú Thọ) vỡ kịch bản, dân lội bùn giẫm đạp tranh cướp như thời nguyên thủy; Lễ hội Lim (Bắc Ninh) nhếch nhác vì công tác vệ sinh môi trường… thì cơ bản công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm nay đã chuyển biến rõ nét.

Dày đặc văn bản chỉ đạo

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện từng bày tỏ quan điểm trong một hội nghị: Những yếu tố phản cảm trong lễ hội cần phải khắc phục, tăng cường vận động, thuyết phục, tuyên truyền để Nhân dân thay đổi trong nhận thức, không quản lý lễ hội bằng mệnh lệnh hành chính. Nhưng phải thấy rằng, chưa năm nào, Bộ VHTT&DL ra nhiều văn bản chỉ đạo về lễ hội như năm nay. Ngay những ngày đầu tiên của năm mới, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã có hàng loạt văn bản liên quan đến lễ hội. Cụ thể, trong ngày 20 và 21/2 (mùng 5, 6 tháng Giêng Tết Mậu Tuất) đơn vị quản lý này đã có 2 văn bản cùng khẳng định quan điểm xóa bỏ hiện tượng thương mại hóa trong các lễ hội chọi trâu, yêu cầu siết chặt công tác quản lý, tổ chức đối với các lễ hội chọi trâu xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) và xã Hải Lựu (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc)… Tiếp đó, cũng trong ngày 21/2, Cục Văn hóa cơ sở lại có thêm văn bản gửi Sở VHTT&DL, Sở VH&TT các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chấn chỉnh hiện tượng đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ mất an toàn trong di tích và lễ hội…

Trong ngày 27/2, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện ký ban hành Công văn 669/BVHTTDL-VHCS về việc triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trong đó nhấn mạnh việc không lợi dụng tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; rà soát, chấn chỉnh việc khai ấn, phát ấn không đúng nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích và lễ hội. Cùng ngày, Cục Văn hóa cơ sở lại ra văn bản riêng đối với lễ hội khai ấn Đền Trần - Nam Định, nhắc nhở ban tổ chức bố trí các điểm phát ấn thuận lợi cho người dân, du khách; có phương án khắc phục hiện tượng phản cảm “đưa tiền lấy ấn”; đảm bảo không để hiện tượng đại biểu tham gia dự lễ ném tiền vào kiệu ấn; không để xảy ra hiện tượng cướp lộc trên ban thờ; có biện pháp khắc phục hiện tượng chen lấn, xô đẩy gây mất an ninh trật tự. Bên cạnh đó, Lễ hội chùa Hương, Lễ hội cướp Phết Hiền Quan… cũng nhận được hàng loạt các văn bản yêu cầu chấn chỉnh công tác tổ chức và quản lý lễ hội; từ việc chấn chỉnh đò suối Yến đến yêu cầu báo cáo công tác tổ chức…

Có nên hành chính hóa lễ hội?

Không phủ nhận nhờ có sự sát sao của cơ quan quản lý, sự vào cuộc của các địa phương tình hình lễ hội năm nay đã có nhiều cải thiện theo hướng tích cực. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người nghiên cứu văn hóa, GS.TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng, nên thận trọng trong việc thay đổi những nghi thức văn hóa mang tầm nhân loại, bởi mỗi trò diễn là sản phẩm của rất nhiều thế hệ đã được thừa nhận. Chính vì vậy, không ít người băn khoăn, bỏ cướp lộc ở Lễ hội Gióng (Sóc Sơn) có làm thay đổi bản chất lễ hội. Bởi vì, nghi lễ cướp lộc đã được ghi lại trong hồ sơ công nhận Lễ hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Không nói riêng Lễ hội Gióng, mà nhìn tổng thể bức tranh quản lý lễ hội chung, GS.TS Lê Hồng Lý – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa cho rằng: “Lâu nay, ứng xử của những người làm quản lý với cộng đồng - chủ thể lễ hội - vẫn tạo cảm giác áp đặt”. TS Nguyễn Thị Hường - Phó trưởng Khoa Quản lý nhà nước về xã hội, Học viện Hành chính quốc gia lấy một ví dụ: “Trước đây, khi khảo sát thực tế và tổ chức hội thảo về lễ hội trên Sapa, chúng tôi nghe người dân phản ánh, lễ hội truyền thống của người Mông trên Sapa tổ chức trong 3 ngày, cơ quan chức năng cho tổ chức trong 1 ngày, các phần hay nhất nằm ở ngày 2, ngày 3 nên họ không đồng tình. Thời điểm dư luận ồn ào về lễ hội đâm trâu của đồng bào ở Quảng Ngãi, địa phương này từng tính thay thế tục đâm trâu thật bằng hình thức biểu diễn, thay trâu trật bằng trâu giả. Lễ hội diễn ra được ít phút thì người dân bỏ về, cho là mình bị lừa”.

Bộ VHTT&DL đang nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội trong đó sẽ phân loại, phân cấp quản lý cho các bộ, UBND các cấp; thay đổi phương thức quản lý Nhà nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với hoạt động lễ hội. Theo đó, sẽ thay thế hình thức xin phép bằng đăng ký và thông báo. Nếu Nghị định ra đời theo dự thảo đề ra, một mặt có thể tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý lễ hội, khắc phục những hạn chế còn tồn tại nhưng cũng làm tăng thêm lo ngại sa đà sang tình trạng hành chính hóa lễ hội.

"Bên cạnh triển khai kế hoạch “cứng” trong công tác kiểm tra quản lý, tổ chức lễ hội bảo đảm an toàn, văn minh, lãnh đạo Bộ VHTT&DL đã phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan thanh, kiểm tra đột xuất, tránh tình trạng đối phó của ban tổ chức lễ hội cũng như các cấp địa phương… Cùng với đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc thực hành lễ hội được đặt lên là giải pháp hàng đầu và hiệu quả nhất để đẩy lùi tiêu cực. Thực tế, những nơi có sự vào cuộc tích cực và kiên quyết của chính quyền địa phương thì ở đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đạt hiệu quả cao." - Bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL


"Cơ quan quản lý cần nhận diện cho được lễ hội nào thực sự là cần thiết của người dân thì phải giữ cho được. Vì nếu không sẽ làm nghèo đi đời sống văn hóa tinh thần, người dân sẽ tự bỏ đi vốn quý của cha ông. Mỗi cộng đồng trên đất nước Việt Nam lại có những lễ hội khác nhau, đó là bản sắc, là nét riêng của mỗi cộng đồng. Vì thế phải đánh giá, kiểm kê và xem xem cái gì thực sự gắn bó mật thiết với người dân và phải giúp cho họ phương thức tự quản lý lễ hội của mình. Giúp họ những nhận thức giá trị của lễ hội mà họ đang có, hướng dẫn cho họ cách thực hành để làm sao vừa văn minh, vừa văn hóa và thực sự hiệu quả, tiết kiệm." - TS Lê Thị Minh Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn phát huy di sản văn hóa Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần