Để du lịch Quảng Trị xứng danh là ngành kinh tế mũi nhọn

Tiến Nhất
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quảng Trị xác định xây dựng một số sản phẩm du lịch mới dựa trên lợi thế của tỉnh là đề án trọng tâm, đồng thời sẽ phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn.

Hồi phục “vết thương” sau đại dịch
Kể từ đầu năm 2020, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu đã khiến ngành du lịch phải lùi về phía sau, chờ cho đến khi cơn khủng hoảng qua đi. Các chuyến bay bị ngưng trệ, biên giới bị đóng cửa…  ngành du lịch tạm “đóng băng” để đặt sức khỏe và sự an toàn của người dân lên hàng đầu.
Theo thống kê, lượng khách đến với Quảng Trị và doanh thu du lịch năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 (lượng khách quốc tế giảm trên 86%, khách nội địa giảm 71%), chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.
Quảng Trị đặt mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp kích cầu, tạo sức bật nhằm thúc đẩy và khôi phục các hoạt động du lịch phát triển trở lại.
Đáng chú ý, tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Festival “Vì Hòa bình” tại tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh đó, phối hợp với UBND huyện Gio Linh, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh triển khai thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di tích hệ thống các công trình khai thác nước cổ gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã Gio An, huyện Gio Linh.
Ngoài ra, Quảng Trị tổ chức khảo sát, kiểm tra quy hoạch các khu, điểm du lịch trên địa bàn; khảo sát hang động ở thôn Trỉa, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa; tuyến du lịch đường bộ và đường thủy lên Chiến khu Ba Lòng, huyện Đakrông; khảo sát các điểm du lịch phía Tây.
Một số sản phẩm du lịch mới tiếp tục được Quảng Trị quan tâm phát triển nhằm tăng tính hấp dẫn thu hút khách thông qua việc tổ chức các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm ở điểm di tích trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Quảng Trị đã tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực, nhất là 3 tỉnh Bình-Trị-Thiên; phối hợp với Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch và UBND huyện đảo Cồn Cỏ tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch và tổ chức đoàn Famtrip khai trương tour du lịch đảo Cồn Cỏ năm 2020, mùa du lịch biển 2020; tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược triển khai nhũng dự án du lịch trong thời gian qua đã đến khảo sát và lập kế hoạch đầu tư…
Mở ra giai đoạn mới cho ngành du lịch
“Để góp phần tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Quảng Trị sớm trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định việc xây dựng các Đề án xây dựng một số sản phẩm du lịch mới dựa trên lợi thế của tỉnh là đề án trọng tâm, đồng thời sẽ phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết.
Năm 2021, tỉnh Quảng Trị đề ra mục tiêu thu hút khách đến tham quan tại địa phương ước đạt 1.620 ngàn lượt (tăng 74% so với cùng kỳ năm 2020); khách quốc tế ước đạt 30 ngàn lượt (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020); khách nội địa ước đạt 1.590 ngàn lượt (tăng 81% so với cùng kỳ năm 2020). Tổng doanh thu kinh doanh du lịch xã hội ước đạt 1.460 tỷ đồng (tăng 73% so với cùng kỳ năm 2020); trong đó doanh thu lưu trú và lữ hành của các doanh nghiệp du lịch chuyên ngành ước đạt 285 tỷ đồng (tăng 85% so với cùng kỳ năm 2020).
Quảng Trị sở hữu nhiều thắng cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Để xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Trị chú trọng thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất; Đề án "Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn"…
Song song đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, khôi phục phát triển du lịch; xây dựng, chú trọng tạo ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; nghiên cứu, phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển đảo; kết nối du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng của Quảng Trị với du lịch các địa phương trong khu vực và Hành lang kinh tế Đông  - Tây…
Dịch Covid-19 đang là “liều thuốc thử” đặc hiệu đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành du lịch nói riêng. Nó giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp lữ hành nhận diện rõ hơn về những điểm mạnh, điểm yếu của ngành du lịch hiện nay, từ đó có những điều chỉnh kịp thời về chiến lược phát triển để tận dụng tốt cơ hội do khủng hoảng tạo ra.
“Bằng nhiều giải pháp, hoạt động kích cầu cũng như sự liên kết xúc tiến, đổi mới cách làm, ngành du lịch Quảng Trị sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước phục hồi và phát triển bền vững” - ông Hà Sỹ Đồng chia sẻ.