Để dưới thảm hết đinh

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng hành cùng DN - đó là chủ đề chính của Hội nghị Thủ tướng với cộng đồng DN ngày 17/5, trong đó có khoảng 1.500 đại biểu của khối DN dân doanh.

Số lượng DN tham gia sẽ đông hơn khi cuộc gặp sẽ được tiến hành trực tuyến với các tỉnh, TP.
Cơ hội cho DN nhưng cũng là áp lực không nhỏ đối với các bộ, ban, ngành, chính quyền các địa phương trong cuộc đua cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN, tạo cơ sở cho phát triển kinh tế, xã hội.
 Ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Không thể phủ nhận hiệu quả của một loạt các nghị quyết, quyết sách mà Chính phủ đề ra trong cuộc gặp gỡ trước, trong cải cách thủ tục hành chính, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, áp dụng công nghệ thông tin trong đăng ký DN, thuế, hải quan, giảm gánh nặng thuế, phí cho DN trong lĩnh vực đất đai, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng,… Song cũng có thể thấy, trong khi Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, môi trường kinh doanh vẫn ghi nhận không ít ý kiến từ phía DN phản ánh về sự chậm trễ hoặc thiếu quyết liệt, đồng bộ ở cấp chính quyền, các bộ, ngành, một số địa phương. Đơn cử như việc ngành hải quan tạo điều kiện thông quan, nhưng các bộ, ngành còn tới 362 văn bản như các giấy phép con, nên khi hải quan muốn đơn giản hoá thủ tục cũng khó thực hiện. Vẫn còn những vụ việc tương tự như vụ việc quán cà phê “Xin chào”; 20.000 viên thuốc chống ung thư trị giá hàng tỷ đồng buộc phải tiêu hủy trong khi thuốc cho bệnh nhân vẫn thiếu, nguyên nhân chỉ vì thủ tục hành chính; Việc thanh tra, kiểm tra DN vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, làm khó DN; Rồi những quy định “trên trời” vẫn được ban hành ngay cả khi biết là khó thực thi, làm khó nhà đầu tư, làm khó hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Trong tổng hợp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trước thềm cuộc gặp Thủ tướng với cộng đồng DN năm nay cũng đề cập đến những tồn tại đáng lo ngại khi mà trong các tháng đầu năm 2017 số lượng DN thành lập mới tuy có tăng, nhưng số lượng DN ngừng hoạt động và giải thể cũng không ít và chiếm khoảng một nửa so với số lượng DN mới thành lập. Khối các DN trong nước liên tục bị lép vế so với khối DN nước ngoài. Môi trường kinh doanh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu cũng như môi trường kinh doanh của nhiều nước trong khu vực…
Chỉ một thủ tục được bãi bỏ thì hàng ngàn tỷ đồng đã được tiết kiệm cho DN và người dân. Thay đổi tư duy trong bộ máy Nhà nước chuyển từ quản lý sang phục vụ thì nền hành chính đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Chính vì thế để “Đồng hành cùng DN” đòi hỏi quá trình từ nhận thức đến hành động thời gian tới phải được tiến hành nhanh hơn, quyết liệt hơn. Tinh thần cải cách của Thủ tướng và Chính phủ phải thấm vào từng nếp nghĩ, từng hành động của mỗi cán bộ, công chức. Cơ hội để kinh tế hội nhập rất lớn nhưng nó sẽ là thách thức không nhỏ khi thảm đỏ trải ra nhưng đâu đó vẫn còn những chiếc đinh làm khó nhà đầu tư, DN.