Để giảm tiêu cực trong đấu thầu xây dựng: Cần phân cấp mạnh hơn

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đấu thầu là một trong những công đoạn quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả của các công trình xây dựng, đã được pháp luật quy định khá chặt chẽ. Tuy vậy, theo đánh giá, hoạt động đấu thầu xây dựng đang phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến tiêu cực hay thủ tục rườm rà, gây khó khăn, tốn kém cho DN.

Thủ tục rườm rà trong đấu thầu khiến cho nhiều công trình xây dựng bị đình trệ. Ảnh: Hải Linh
Quy định chồng chéo
KTS Trần Huy Hoàng – Văn phòng KTS Trần Hoàng cho biết, để tham gia đấu thầu một công trình xây dựng các DN hiện nay cần rất nhiều thủ tục. Đơn cử, một công ty hay một văn phòng KTS trước khi được cấp phép hoạt động phải có đầy đủ hồ sơ, nghiệp vụ, các chứng chỉ liên quan, giới hạn các ngành nghề tham gia để có thể hành nghề. Nhưng khi tham gia đấu thầu thi công một công trình nào đó (đặc biệt là công trình có vốn đầu tư ngân sách) phải trình đầy đủ chứng chỉ của những người tham gia các mảng việc liên quan. “Đáng ra, khi lựa chọn các đơn vị tham gia đấu thầu chỉ cần kiểm tra xem tính pháp lý và năng lực của đơn vị ở thời điểm đó như thế nào là đủ. Nhưng quy định lại yêu cầu tập hợp tất cả các hồ sơ, chứng chỉ... sau đó bên mời thầu lại mất thêm thời gian đi thẩm định, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ đó, mất rất nhiều thời gian và lãng phí tiền của” – KTS Trần Huy Hoàng cho hay.
Những trình tự, cách thức thực hiện theo quy định của luật là mang tính bắt buộc, nhằm đáp ứng những mục tiêu cụ thể của quá trình hoạt động. Năm 2020 được xem là năm bản lề để thực hiện việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp quy liên quan đến công tác đấu thầu, xây dựng. Vì vậy các cơ quan lập pháp và hành pháp cần phải căn cứ vào điều kiện thực tế để có những thay đổi phù hợp, rút ngắn thời gian, giảm chi phí tài chính cho người dân và DN.
KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Cũng theo KTS Trần Huy Hoàng, Nghị định 85/2009/NĐ-CP, quy định về tăng giá bán hồ sơ mời thầu (Hồ sơ đấu thầu trong nước: Tối đa là 2 triệu đồng với hồ sơ mời thầu; 1 triệu đồng với hồ sơ yêu cầu – PV) cũng là một trong những kẽ hở để trục lợi về tài chính. “Để được tham gia đấu thầu, bên mời thầu phải đưa ra các tiêu chí cụ thể cho bên tham gia nhưng nhiều khi việc này lại không rõ ràng, mập mờ để mở rộng đối tượng tham gia đấu thầu, từ đó có thể bán hồ sơ thu lợi. Một bộ hồ sơ giá 2 triệu đồng không phải số tiền lớn nhưng hàng trăm đơn vị tham gia thì tổng số tiền bán hồ sơ không nhỏ” – KTS Trần Huy Hoàng cho biết thêm.
Theo đánh giá, việc thực hiện công tác đấu thầu nói chung và đấu thầu xây dựng nói riêng đã và đang xảy ra những tiêu cực. Theo KTS Lê Hồng Hiếu – Hội KTS Việt Nam, thời kỳ trước đổi mới, việc xây dựng các công trình chủ yếu diễn ra theo hình thức bỏ thầu, giao thầu, chỉ định thầu... xảy ra tình trạng các công trình không bảo đảm chất lượng. Công tác đầu thầu ra đời đã từng bước khắc phục được tình trạng này nhưng vẫn tồn tại tiêu cực. “Việc trúng thầu hay không trúng thầu tại rất nhiều công trình, dự án dựa trên cơ sở “quan hệ” của tổ chức, DN. Việc thông báo mời thầu, tổ chức đầu thầu... diễn ra dường như chỉ mang tính hình thức. Bởi thực tế đơn vị nào trúng thầu phần lớn đã có sự bố trí từ trước đó rồi” – ông Hiếu nhìn nhận.
Ngoài ra, KTS Lê Hồng Hiếu cũng cho rằng, các thủ tục đấu thầu hiện nay diễn ra phức tạp và chồng chéo. Có 5 bước trong công tác đấu thầu, gồm: Mời thầu, dự thầu, mở thầu, chấm thầu và ký kết hợp đồng. Nhưng trong đó quy trình lại diễn ra làm rất nhiêu khâu, như: Lựa chọn nhà thầu; Phát hành hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu được lựa chọn; Nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu; Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo các đề xuất của nhà thầu; Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả mua sắm trực tiếp; Hoàn thiện và ký hợp đồng... nên để hoàn thiện một dự án đấu thầu mất rất nhiều thời gian.
Ảnh minh họa.
Nên tăng quyền cho chủ đầu tư
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thơm – Hội Luật gia Việt Nam, hiện nay, có nhiều quy định không thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đấu thầu xây dựng như Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở... nên khi vận hành đã gây ra những khó khăn cho người dân, DN và lãng phí về thời gian, tiền bạc. “Ví dụ quy định về lựa chọn nhà thầu trong xây dựng, Điều 96 Luật Xây dựng nêu: “Nhà thầu phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng phù hợp, có giá dự thầu hợp lý...”; trong khi Luật Đấu thầu lại không có quy định này mà quyết định lựa chọn nhà thầu dựa trên chi phí, tức là lựa chọn nhà thầu có chi phí thấp nhất” – ông Thơm viện dẫn.
Để giải quyết được sự chồng chéo trong luật, theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp, cần phải chuyên môn hóa cơ quan lập pháp, cần phải có những người có trình độ chuyên sâu về các lĩnh vực chuyên ngành. “Cơ quan lập pháp cần những người có chuyên môn sâu về lĩnh vực chuyên ngành nhưng chỉ làm công tác soạn thảo văn bản pháp luật. Cơ quan hành pháp có trách nhiệm đóng góp, xây dựng các nội dụng dự thảo cho phù hợp với điều kiện thực tế. Như vậy, sẽ nâng cao tính thống nhất và hạn chế sự chồng chéo của các văn bản luật” – ông Hiệp nhìn nhận.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Đào – nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng, cần phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong công tác đấu thầu và đẩy mạnh việc phân cấp, tăng quyền cho chủ đầu tư trong quá trình đấu thầu. “Trước đây, các công trình đấu thầu thường thực hiện công tác tiền kiểm, tuy mang lại hiệu quả nhưng lại vướng mắc nhiều thủ tục hành chính, làm chậm quá trình giải ngân và các dự án theo đó cũng bị đình trệ. Vì vậy, cần phải phân cấp mạnh hơn cho các DN. Việc phân cấp này không có nghĩa là thả nổi mà chúng ta vẫn còn một khâu hậu kiểm của cơ quan giám sát” – ông Đào cho hay.