Để giáo viên, học sinh sẵn sàng ứng phó với cháy nổ

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn về PCCC trong các trường học được lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội luôn trú trọng. Với các hình thức tập huấn, tuyên truyền; hướng dẫn kỹ năng xử lý cháy, nổ… đối với giáo viên, học sinh. Từ đó nhằm nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong nhà trường.

Cô, trò cùng… ứng phó với cháy nổ
Vừa qua, Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC Số 1 tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật và kiến thức phòng cháy, chữa cháy năm 2017 cho 180 đồng chí là chuyên viên của Phòng GD&ĐT quận, đại diện Ban giám hiệu, Đội PCCC cơ sở của các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn quận.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng, đại diện các trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn cần xác định công tác phòng ngừa là yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo an toàn PCCC; Yêu cầu các lực lượng phải thường xuyên tổ chức học tập, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC và ý thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, CNCH để sẵn sàng ứng phó với các sự cố cháy, nổ có thể xảy ra. Từ đó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh và cán bộ, công nhân viên tại các nhà trường.
Cảnh sát PCCC TP Hà Nội tập huấn, hướng dẫn kỹ năng xử lý đám cháy...

Trung tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Số 1 đã phổ biến quy chế phối hợp giữa Phòng Cảnh sát PCCC Số 1 với Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng và đề nghị trong thời gian tới 2 đơn vị cần phối hợp tổ chức các lớp tuyên truyền kiến thức, pháp luật về PCCC đến 64 trường học trên địa bàn.
Đưa kiến thức PCCC vào các môn học, các giờ giao ban, sinh hoạt lớp, các buổi học ngoại khóa tại các trường học cơ sở giáo dục, đa dạng hóa các hình thức và nội dung kiến thức về PCCC, CNCH phù hợp với từng đối tượng, loại hình, cấp học để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền...
Các học viên tham dự đã được đồng chí báo cáo viên phổ biến các kiến thức cơ bản về cháy, nổ, biện pháp PCCC và quy trình xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Đồng thời, hướng dẫn biện pháp bảo quản, quản lý và sử dụng các phương tiện PCCC&CNCH. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế phối hợp giữa Phòng Cảnh sát PCCC Số 1 và Phòng GD&ĐT quận. Đồng thời, tăng cường khả năng phối hợp trong công tác điều hành tổ chức chữa cháy và CNCH giữa lực lượng của Cảnh sát PCCC TP Hà Nội và Đội PCCC cơ sở của các trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn quận khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
“Phủ sóng” kiến thức PCCC vào các trường học ở Hà Nội
Được biết, nhằm nâng cao nhận thức về công tác PCCC, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã phối hợp Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH cho người đứng đầu, cán bộ giáo viên, nhân viên các trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội… Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội từng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác PCCC, vai trò của lực lượng PCCC cơ sở trong công tác PCCC. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT phân tích, tính chất mực độ rất nguy hiểm ở nơi tập trung số lượng lớn các học sinh với nhiều lứa tuổi, tại các phòng học có chứa rất nhiều chất dễ bắt cháy như: bàn, ghế, rèm cửa, các trang thiết bị điện, nhiều trường có một cửa ra vào… Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra sẽ gây ra sự hoảng loạn dẫn đến các thiệt không đáng có về người và tài sản.
Một buổi tập huấn về nghiệp vụ PCCC, CNCH cho giáo viên. Ảnh: Đạt Lê.

Liên quan đến công tác PCCC đối với các trường học trên địa bàn TP, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho hay: Nhiều cơ sở giáo dục chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, phổ biến như: Chưa thực hiện nghiêm túc việc thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đối với các dự án, công trình xây dựng mới, cải tạo, thay đổi công năng, mục đích sử dụng theo quy định; Chưa trang bị đầy đủ các hệ thống chữa cháy theo quy định; Hệ thống PCCC không được bảo dưỡng thường xuyên, không hoạt động nước. Còn nhiều trường tư thục thuê mặt bằng công trình làm trường học, chuyển đổi công năng từ nhà dân hay cải tạo từ một phần diện tích kinh doanh thương mại, văn phòng tại các toà nhà đa năng, cao tầng… thuộc đối tượng phải thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC nhưng không được thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC theo quy định dẫn đến không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC...
Cũng theo lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017-2018 và giai đoạn 2017-2020: Tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC&CNCH phù hợp với từng cấp học theo quy định của Bộ GD&ĐT để đưa nội dung kiến thức PCCC vào chương trình giảng dạy (2 tiết học) và ngoại khoá cho học sinh các cấp trong các nhà trường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lãnh đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; lãnh đạo các nhà trường và cán bộ làm công tác chuyên trách hoặc kiêm nghiệm về PCCC; giáo viên dạy kỹ năng sống và phụ trách hoạt động ngoại khoá. Hỗ trợ Sở GD&ĐT tổ chức tuyên truyền sâu rộng, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC cho cán bộ công nhân viên tại cơ quan Sở, các Phòng GD&ĐT và cho giáo viên, cán bộ công nhân viên, học sinh, các đơn vị giáo dục toàn TP...