Để giữ được đạo đức, đòi hỏi bản lĩnh và trách nhiệm cao của người làm báo

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Mỗi cá nhân khi bắt tay vào hoạt động tác nghiệp sẽ gặp hàng trăm thứ cám dỗ, như: Câu “view” bằng đặt “tít” để trục lợi, ăn cắp bản quyền qua mạng, bất chấp tổn hại đưa thông tin nhằm có lợi cho nhóm hoặc cá nhân; xa rời tôn chỉ mục đích, không quan tâm đến chữ “tâm” hay thuần phong mỹ tục, lợi ích của cộng đồng, quốc gia, dân tộc…”.

Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu tham gia Diễn đàn “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số” diễn ra chiều nay, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc đang được tổ chức tại Hà Nội.

Diễn đàn do Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc chủ trì, thu hút đông đảo đại diện cơ sở đào tạo, cơ quan báo chí, hội nhà báo các địa phương, sinh viên báo chí…
 Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc chủ trì diễn đàn
Tại đây, các ý kiến đi sâu bàn về vai trò to lớn của đạo đức trong hoạt động báo chí hiện nay, cùng với hoạt động của từng nhà báo, hội viên, nhằm thống nhất nhận thức của những người làm báo để cùng tránh vi phạm đạo đức. Trong đó, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc khẳng định: Năm 2017, Hội Nhà báo Việt Nam đã quyết định công bố “10 điều quy định về đạo đức nghề báo”.

Chưa bao giờ yêu cầu về đạo đức người làm báo lại được đặt ra cấp bách như hiện nay, trong bối cảnh khoa học công nghệ, thông tin truyền thông phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Đáng chú ý, Tổng Biên tập Báo Công an TP Hồ Chí Minh Trần Trọng Dũng nhận định: Ở từng cơ quan báo chí, những nội dung liên quan đạo đức người làm báo có được thực hiện hay không sẽ phụ thuộc vào ban biên tập, mà cụ thể là Tổng biên tập. Đòi hỏi một tờ báo có đạo đức báo chí thì điều đầu tiên, Tổng biên tập không chỉ cần có bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn sâu rộng, có khả năng quản lý điều hành, mà còn phải là người có tư cách đạo đức.

Nhấn mạnh đến bản lĩnh và trách nhiệm cao của mỗi nhà báo trong “kỷ nguyên số”, nhà báo Nguyễn Uyển-Nguyên Trưởng ban công tác Hội (Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng: Thật tiện ích cho làng báo khi kỷ nguyên số thổi sinh khí mới cho thông tin bùng nổ khắp hành tinh. Với đầy đủ phương tiện tác nghiệp, có thể nói là “3-4 trong 1” như máy ảnh số, điện thoại di động, ipad, máy ghi hình…, người làm báo dễ dàng tác nghiệp, nhận-xử lý-truyền thông tin nhanh hơn nhiều so với trước, cũng khiến nhà báo năng động hơn.

Song, chính vì tiếp nhận thông tin nhanh, không rõ nguồn, chưa kiểm chứng, chưa rõ bản chất của sự việc nhưng đã khai thác và tạo nên tác phẩm mới của mình rồi lại tham gia thông tin, nhiều khi đã tạo ra tai họa cho không ít nhà báo, ngay cả với nhà báo danh tiếng. Lối làm việc dễ dãi, tùy tiện của số ít nhà báo cũng dễ bị “sập bẫy” của những “nhóm lợi ích”.

“Vì vậy, đạo đức người làm báo đòi hỏi bất kể ở đâu, khi nào, báo chí và nhà báo cũng phải hoạt động theo luật pháp, chịu trách nhiệm trước công chúng về những gì mình đã loan tin. Tính trung thực, tính nguyên tắc, lòng dũng cảm, đức khiêm tốn phải được đề cao; và nhất thiết người làm báo cần tuân thủ “10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp” hiện hành. Có như vậy, khi tham gia hay khai thác thông tin, đưa lên các loại hình báo chí (kể cả blog, facebook), chúng ta mới không sai phạm”, ông Uyển nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, một năm qua, Hội và báo giới Việt Nam đã tích cực hưởng ứng đợt sinh hoạt chính trị hướng vào xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp, một số cơ quan báo đã mở chuyên mục, là diễn đàn để chúng ta tham gia góp ý. Đã đến lúc, các chuyên mục, diễn đàn này cần mở rộng đối tượng quán triệt, có như thế cùng với luật pháp, những người tham gia truyền thông mới không vi phạm đạo đức trong thời đại số hóa này.