Để hàng không chắp cánh cho du lịch Việt

Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo Phát triển hàng không chắp cánh du lịch Việt Nam mới đây, các chuyên gia đề xuất mở cửa bầu trời, tự do hóa vận tải hàng không và phát triển hạ tầng sân bay Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch nội địa, quốc tế, để hàng không thực sự chắp cánh cho du lịch Việt.

Lực cản của ngành kinh tế xanh
Trong 3 thập niên gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ phát triển du lịch. Việt Nam hiện là một thị trường hàng không lớn, có mức tăng trưởng tương đối cao. Tỷ lệ du khách bay trên các đường bay nội địa, quốc tế tăng mạnh, chiếm tới 70% tổng lượng hành khách trên đường bay. Thậm chí, không ít đường bay, khách du lịch chiếm 100% lượng hành khách. Tuy nhiên, số lượng các hãng đã được cấp giấy phép khai thác hàng không thương mại tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia ASEAN. Nếu Việt Nam là 3 hãng thì Thái Lan có 13 hãng, Singapore 4, Malaysia 6, Indonesia 15 và Philippines 5 hãng.
 Khách du lịch quốc tế làm thủ tục tại sân bay Quốc tế Nội Bài.  Ảnh  Anh Tuấn
Thái Lan không có bất kỳ rào cản chính sách nào đối với việc đầu tư, kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa, quốc tế. Trong khi, cạnh tranh hàng không nội địa ở Việt Nam đang ở mức độ tối thiểu. Với 3 hãng hàng không nội địa, nhưng Jetstar Pacific do Vietnam Airlines nắm cổ phần chi phối, nhà đầu tư nước ngoài bị giới hạn trần ở mức 30%, ở Thái Lan tỷ lệ này là 49%. Vì thế, xứ sở chùa vàng là điểm đến quốc tế giá tour rẻ hơn, chất lượng dịch vụ hàng không tốt hơn và lượng du khách quốc tế hàng năm cao gấp 3 lần Việt Nam.

Mặt khác, hạ tầng hàng không Việt Nam đang quá tải, 21 sân bay đang hoạt động với tổng công suất khoảng hơn 70 triệu khách/năm. Thống kê từ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho thấy, các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), Cam Ranh (Khánh Hòa), Cát Bi (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang), Liên Khương (Lâm Đồng)… đều đang hoạt động vượt công suất thiết kế. Vì quá tải, nên nhiều du khách nước ngoài than phiền, muốn đến Quy Nhơn, Quảng Ninh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Phú Quốc... để nghỉ ngơi, thường phải đi ít nhất 2 chặng. Chặng đầu sẽ đến những sân bay lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sau đó chuyển tiếp. Không những thế, quá tải tại các sân bay trung chuyển lớn, khiến hành khách chờ đợi làm thủ tục trong thời gian quá dài, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và kinh tế đất nước nói chung… Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, hàng không đang là lực cản của ngành kinh tế xanh trong nỗ lực đến năm 2020 đạt 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du khách đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ đô la và đến năm 2030 thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, được đề ra trong Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ 5 trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển. Với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa của Việt Nam sẽ tăng trung bình 15% năm trong thời gian tới. Tổng thị trường vận chuyển hành khách tăng trung bình 16%/năm giai đoạn đến năm 2020 và sản lượng vận chuyển đạt 74 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020 và 131 triệu lượt hành khách vào năm 2030.

Đề xuất tư nhân hóa ngành hàng không

Theo các chuyên gia, mô hình đầu tư sân bay ở Việt Nam thời gian qua khá đơn điệu, phụ thuộc nhiều vào đầu tư công, trong khi hạ tầng sân bay đang bị đuối sức. Vì thế, ngành hàng không khó có đủ hạ tầng sân bay đáp ứng nhu cầu di chuyển và du lịch, nếu không đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, vận hành sân bay. Thực tế, nhiều DN tư nhân lớn, sẵn sàng đầu tư, vận hành một số nhà ga, thậm chí là sân bay hoàn chỉnh tại Việt Nam. Vấn đề là làm thế nào để họ được tiếp cận và tham gia đầu tư các dự án sân bay một cách dễ dàng.

Từ thực tế trên, các thành viên của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hội đồng tư vấn du lịch đề xuất Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa, quốc tế cho các DN đáp ứng các điều kiện quy định hiện hành để sớm có thêm các hãng hàng không mới tham gia thị trường. Thực hiện chính sách xuyên suốt tự do hóa vận tải hàng không trong việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Đồng thời, sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng bỏ thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư với hãng hàng không, chỉ áp dụng thủ tục duy nhất xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định của Luật Hàng không.

Các chuyên gia cũng đề xuất nâng trần đầu tư nước ngoài vào các hãng hàng không Việt Nam lên mức 49% và loại bỏ hạn chế cho các thương hiệu nước ngoài trong ngành hàng không. Về đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng, cần khẩn trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, thúc đẩy tiến độ đầu tư sân bay Long Thành. Đồng thời, rà soát quy hoạch để chủ động điều chỉnh, đầu tư mở rộng các sân bay quốc tế Nội Bài, Phú Bài, Đà Nẵng. Cùng với đó, Chính phủ cần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, vận hành sân bay theo hướng ưu tiên kêu gọi đầu tư tư nhân, nước ngoài vào các dự án nhà ga hàng không và các dự án sân bay mới để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Và xây dựng các khu dịch vụ mặt đất phù hợp cho việc phát triển hàng không chung, xây dựng công trình nhà ga tiên tiến để việc đi lại của khách hàng hiệu quả hơn như quầy tự làm thủ tục, các cửa lên máy bay điện tử tự động…