Để hàng Việt thích ứng “cuộc chơi” mới

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã tạo cơ hội cho hàng Việt Nam vươn ra “biển lớn” chinh phục nhiều thị trường tiềm năng, đồng thời cạnh tranh sòng phẳng ngay tại “sân nhà” khi đón lượng hàng hóa lớn nhập khẩu. Vì vậy, đây là lúc hàng Việt Nam phải làm mới mình để thích ứng với “cuộc chơi”.

Hàng ngoại đổ bộ
Theo quy định, trong quá trình thực thi các FTA, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa. Chính vì thế, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc giao thương gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều thương hiệu Nhật Bản như Kohnan,Tokyo Life, Komonoya… vẫn liên tục mở thêm chuỗi cửa hàng mới, bán sản phẩm giá cạnh tranh với hàng Việt do được giảm thuế nhập khẩu theo quy định FTA.
 Người tiêu dùng chọn mua hàng tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 
Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Takeo Nakajima cho biết, do dịch Covid-19 bùng phát, người dân hạn chế ra ngoài nhưng nhiều sản phẩm tiêu dùng tại nhà của Nhật Bản vẫn được người Việt tiêu thụ khá mạnh như kem, gia vị, đậu natto, giấm táo, miếng đắp mặt nạ thư giãn... Thống kê của JETRO cho thấy, doanh thu bán hàng tiêu dùng Nhật Bản trong quý I/2021 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài hàng tiêu dùng Nhật Bản, thời gian qua DN dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu thời trang nước ngoài liên tục “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam. Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ hàng trung bình đến cao cấp như: Chanel, Giovanni, Mango, Zara, H&M, Uniqlo... đã có mặt tại Việt Nam.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra đối với các mặt hàng nông sản. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 141.140 tấn thịt lợn, tăng 382% so với năm 2019. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay lượng thịt lợn nhập khẩu tăng mạnh hơn, cụ thể trong quý I/2021, Việt Nam nhập khẩu 34.650 tấn thịt lợn, trị giá 80,07 triệu USD, tăng 101,4% về lượng và tăng 102,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Chính làn sóng hàng ngoại nhập gia tăng đã và đang tạo áp lực cạnh tranh vô cùng lớn cho các DN Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

Nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam

Trong bối cảnh hàng ngoại nhập gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng để khẳng định vị thế, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, DN Việt phải cấp bách nâng sức cạnh tranh thông qua xây dựng thương hiệu từ đó tạo niềm tin, thu hút người tiêu dùng sử dụng hàng Việt. PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) chia sẻ, trong bối cảnh cả thế giới cũng như Việt Nam đang phải chống chọi với dịch Covid-19 nên việc xây dựng Thương hiệu quốc gia nói chung, thương hiệu DN nói riêng rất quan trọng, mang tính sống còn.
Nguyên nhân là do sức mua và sức cầu của thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào thương hiệu sản phẩm. Theo đó, người tiêu dùng khi mua hàng sẽ nhìn vào thương hiệu để lựa chọn sản phẩm. Ngoài ra, trong giai đoạn này nhiều ngành hàng đang phải đóng cửa, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên họ sẽ ưu tiên những loại hàng hóa có thương hiệu, đặc biệt là sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.
“DN đạt Thương hiệu quốc gia không chỉ là mục tiêu hướng đến mà còn là yêu cầu cấp thiết. Bởi từ Thương hiệu quốc gia sẽ góp phần giúp DN định vị ở thị trường nội địa và vươn ra quốc tế”- PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh khẳng định. Đồng tình với ý kiến này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: “Sản phẩm không có tên tuổi, thương hiệu sẽ rất khó được người tiêu dùng lựa chọn. Vì vậy DN phải quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng thương hiệu để tạo ấn tượng, niềm tin của khách hàng với sản phẩm”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do hạn chế về nhân lực, tài chính nên việc xây dựng thương hiệu trong cộng đồng DN chưa đạt kết quả khả quan, thậm chí nhiều DN chấp nhận bán thương hiệu của mình. Nhằm hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy chế “Hỗ trợ các DN trên địa bàn TP Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu”. Cụ thể, đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng, đặt tên và quảng bá thương hiệu; Thiết kế biểu tượng hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận biết thương hiệu tương ứng cho các thương hiệu, sản phẩm DN.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, xây dựng thương hiệu là công cụ hữu hiệu để các ngành, DN phát triển bền vững và cải thiện năng lực cạnh tranh. Nếu vận dụng hiệu quả, đây sẽ là “chìa khóa” để hàng Việt khẳng định vị thế tại thị trường trong và ngoài nước.

"Bộ Công Thương đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng DN về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Đặc biệt, hỗ trợ các DN nâng cao năng lực xây dựng, quản trị, phát triển thương hiệu DN, Thương hiệu quốc gia. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện hỗ trợ DN phát triển sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chí Thương hiệu quốc gia Việt Nam..." - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần