Để không tụt hậu về chính sách

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công nghệ thông tin đang ngày càng chứng tỏ vai trò và tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế nói riêng và mọi mặt đời sống xã hội nói chung.

Thế nhưng, hệ thống pháp lý cũng như kỹ năng quản lý của cơ quan Nhà nước lại đang bộc lộ những bất cập, yếu kém trong môi trường kinh tế số.
Một ví dụ điển hình là sự lúng túng của cơ quan quản lý Nhà nước trước loại hình taxi công nghệ đã kịp ăn sâu bén rễ vào thị trường vận tải khách tại các đô thị lớn trong vài năm qua. Đã có rất nhiều luồng ý kiến, nhận định về bản chất của taxi công nghệ. Có người cho rằng nó là một loại hình kinh doanh vận tải, có người lại cho rằng nó chỉ là một dạng thức của kinh tế chia sẻ thời đại 4.0. Và điều đáng buồn nhất, sự thiếu nhất quán đó còn thể hiện rõ ràng ngay trong chính các cơ quan quản lý Nhà nước. Và tất yếu, nó dẫn đến sự lúng túng, chậm trễ trong hình thành bộ khung pháp lý nhằm quản lý hữu hiệu loại hình này, dẫn đến hàng loạt hệ lụy về giao thông; thất thu thuế...
Mới đây nhất, Bộ GTVT đã có đề xuất gắn hộp đèn cho taxi công nghệ để định danh và quản lý. Nhưng đề xuất đó cũng đang gây tranh cãi; thậm chí Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu lại quy định này.
Có thể thấy, Bộ GTVT đang đánh giá hiện tượng taxi công nghệ bằng góc nhìn của nhà quản lý vận tải, với mong muốn đưa ra những chế tài quản lý của ngành dọc chuyên trách. Cách nhìn nhận đó cũng đồng thời thể hiện sự “cô đơn” của Bộ GTVT trước một thử thách mới mẻ và phức tạp. Vậy, vai trò của Bộ Tài chính, Bộ KH&CN được thể hiện ở đâu?
Ở khía cạnh tích cực, taxi công nghệ mang lại dịch vụ tốt, sang trọng và hấp dẫn hơn cho người dân, cần được khuyến khích. Nhưng nó đang gây khó khăn cho cơ quan thuế, nguồn thu từ thị trường nội địa đang chảy ra nước ngoài, làm giàu cho DN nước ngoài.
Bộ Tài chính vẫn chưa có một giải pháp nào cụ thể cho vấn đề này, hay vẫn cứ đợi Bộ GTVT tạo ra một hành lang pháp lý để tiện thu thuế nhất? Giả sử quy định gắn hộp đèn, định danh taxi công nghệ như taxi thông thường không được thông qua, liệu Bộ Tài chính có thu được thuế của các công ty cung cấp ứng dụng gọi đặt xe?
Còn Bộ KH&CN, cơ quan lẽ ra phải có vai trò chính yếu trong việc định danh taxi công nghệ là loại hình gì, được quản lý bằng khung pháp lý như thế nào, thì đến nay vẫn chỉ xuất hiện rất mờ nhạt trong các cuộc bàn thảo. Nếu Bộ KH&CN làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, có sự trợ giúp hữu hiệu cho Bộ GTVT, có lẽ vấn đề quản lý taxi công nghệ đã không hóc búa như thế suốt những năm qua.
Thực tế đó cho thấy, nền kinh tế số của nước ta sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, trở ngại lớn nhất chính là tốc độ hội nhập của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Công nghệ thông tin đang phát triển từng giây, từng phút, còn chế tài quản lý, chính sách phát triển thì được xây dựng từng năm. Đó là một trong những hạn chế lớn nhất phải khắc phục ngay lập tức nếu muốn bắt nhịp được với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang chi phối sự phát triển toàn diện của đất nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần