Để làng nghề Phú Vinh phát triển bền vững

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phủ nhận nghề mây tre, đan truyền thống đã mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), song để làng nghề phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, Phú Vinh rất cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn về xúc tiến thương mại và khai thác tiềm năng du lịch.

 Sản phẩm mây, tre đan của làng nghề Phú Vinh đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Là người tâm huyết với nghề mây tre đan truyền thống của quê hương, từ năm 2018, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã phối hợp với Công viên Thiên đường Bảo Sơn mở xưởng sản xuất. Hàng ngày, ông bố trí 5 người thợ đến Công viên Thiên đường Bảo Sơn sản xuất như ở làng nghề chứ không đơn thuần chỉ là trình diễn. Với mô hình liên kết này, ông Tĩnh hy vọng vừa mở ra một kênh bán hàng hiệu quả cho sản phẩm truyền thống, vừa thu hút khách du lịch đến công viên trải nghiệm văn hóa nghề độc đáo.

Những năm gần đây, sản phẩm mây tre đan Phú Vinh có cơ hội được quảng bá tại nhiều hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế với nhiều đơn đặt hàng nên tiếng tăm của làng nghề được truyền đi xa, nhiều người biết đến. Tuy nhiên, phần lớn sản lượng của làng nghề vẫn xuất khẩu qua một đơn vị thu gom, đặt hàng. Do đó, điều người làm nghề nơi đây luôn trăn trở là làm sao mở rộng khai thác tiềm năng du lịch, để nâng cao hơn nữa giá trị của sản phẩm làng nghề cũng như thu nhập của người lao động. "Hơn 10 năm trước từng có thời gian cả làng được đào tạo, tập huấn kỹ năng làm du lịch, ai cũng sẵn sàng tâm thế xây dựng điểm du lịch làng nghề để mong sản phẩm của làng được nhiều người biết đến, bán hàng cũng sẽ tốt hơn. Thời gian trôi đi, dự án du lịch giờ chỉ còn là dĩ vãng" - ông Tĩnh chia sẻ.

Lý giải về tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Trần Văn Phụng cho biết, hiện toàn xã có 7 làng nghề truyền thống mây tre đan, mỗi năm doanh thu từ sản phẩm làng nghề đạt gần 100 tỷ đồng. Đúng là cách đây hơn 10 năm, xã đã có chủ trương quy hoạch xây dựng điểm du lịch làng nghề nhưng đến nay, vẫn “giậm chân tại chỗ” do chưa có nguồn lực thực hiện.

Hàng năm, TP Hà Nội có nhiều hoạt động hỗ trợ làng nghề phát triển, nhất là hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các chương trình, kế hoạch như: “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”, “Hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề”, tổ chức các triển lãm, hội chợ quốc tế... Qua đó, các sản phẩm của làng nghề có điều kiện thuận lợi để vươn xa hơn. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, ngoài việc việc tập trung làm tốt công tác xúc tiến thương mại, Hà Nội cần tháo gỡ những khó khăn về mặt bằng sản xuất, vốn và hiểu biết về thủ tục xuất khẩu. Cùng với đó, cần có chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân tiêu biểu; kết nối làng nghề và văn hóa nghệ thuật như mở các phiên chợ văn hóa du lịch làng nghề để giúp người nghệ sĩ có việc, làng nghề bán sản phẩm. Đặc biệt, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các DN, làng nghề cần chủ động hơn trong hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm để tự tin hội nhập với thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần