Để ‘lọt lưới’ 10 container hàng lậu, công chức Hải quan chỉ bị án treo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 10 container hàng lậu trị giá 26,3 tỉ đồng, tuy nhiên 2 công chức Hải quan TP Hồ Chí M...

Kinhtedothi - 10 container hàng lậu trị giá 26,3 tỉ đồng, tuy nhiên 2 công chức Hải quan TP Hồ Chí Minh đã dễ dàng cho thông quan. Trong thời gian cơ quan công an điều tra vụ án, 1 công chức Hải quan đã mất. Đáng lưu ý, chủ  mưu vụ án cũng đang trong vòng truy nã của công an.

Sau hai ngày xét xử và nghị án, chiều 29/1, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên án bị cáo Bùi Anh Tuấn, sinh năm 1977, nguyên cán bộ Hải quan TP Hồ Chí Minh 3 năm tù (cho hưởng án treo) và 5 năm thử thách với tội danh “Thiếu tinh thần trách nhiệm”. Bị cáo Lâm Lương Quan, sinh năm 1964, nguyên Giám đốc Công ty Hùng Cường 15 năm tù; Châu Thanh Nhàn (sinh năm 1969) 9 năm tù và Tạ Quang Trình (sinh năm 1976) 10 năm tù, cùng tội “Buôn lậu”.
Các bị cáo tại tòa ngày 29/1 nghe tuyên án.
Các bị cáo tại tòa ngày 29/1 nghe tuyên án.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, ngày 30/12/2013, Công ty TNHH Tân Nhật Huy (Quận 11, TP.HCM) do Hồ Chí Sấm làm Giám đốc, ký mở 6 tờ khai nhập khẩu và Công ty TNHH Nhất Huy (Quận 6, TP.HCM) do Trần Thị Thu Sang làm giám đốc, mở 4 tờ khai nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn KV3 thuộc Hải quan TP Hồ Chí minh. Tất cả hàng hóa kê khai nhập khẩu của hai công ty này gồm: Máy siết nắp chì dùng điện, ốc vít kim loại phi, tay nắm cửa, hình dán bằng giấy, nhựa các loại… Tổng trị giá 10 container hàng này là 930 triệu đồng, được các công chức Hải quan là Nguyễn Phước Tường, Bùi Anh Tuấn (thuộc Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn KV3) ký thông quan.

Cùng ngày 30/12/2013, khi 10 container hàng này đang được vận chuyển từ Cảng Vict, Quận 7 về kho tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ -  Công an TP Hồ Chí Minh, phối hợp Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số kiện hàng bị mở, rạch không đúng tỷ lệ kiểm hóa 5%. Thực tế hàng hóa bao gồm 721 danh mục, gồm các hàng cấm là màn hình vi tính đã qua sử dụng, pháo điện các loại và một lượng lớn mặt hàng như rượu, mỹ phẩm, vải, đồng hồ, hóa chất… Cơ quan chức năng đã lập biên bản đối với các lô hàng trên.

Tiếp tục  điều tra, cơ quan chức năng xác định, Hồ Há Chẩy (hiện đang bỏ trốn) chính là chủ lô hàng trên. Nhằm mục đích buôn lậu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam, Chẩy đã thuê Lâm Lương Quang làm thủ tục nhập khẩu với giá 1,5 triệu đồng/tờ khai.

Sau khi hàng hóa về cảng, các hãng tàu dựa trên thông tin người đứng tên nhận vận tải, thông báo cho Quang biết, Quang yêu cầu Châu Thanh Nhàn, Phùng Ngọc Nhi (nhân viên của Quang) đi lấy Lệnh gia hàng tại hãng tàu. Quang cũng đưa cho Nhàn 10 triệu đồng kèm 10 bộ hồ sơ nhập khẩu.

Từ hồ sơ của Quang đưa, Nhàn đã thuê Tạ Quang Trinh để làm thủ tục truyền dữ liệu khai báo hải quan điện tử cho Quang và thuê Phan Văn Cánh cắt Seal, Cánh chỉ mở container, rạch thùng chứa hàng hóa, sau đó đóng container và thay Seal khác chứ không đưa hàng hóa ra khỏi container. Không có công chức Hải quan nào tham gia việc kiểm hóa.

Cáo trạng của VKS khẳng định, đây là hành vi buôn lậu do Hồ Há Chẩy cùng đồng bọn thực hiện, móc nối với công chức Hải quan bỏ qua kiểm hóa để nhập lậu 10 container hàng hóa với tổng giá trị thật lên tới 26,3 tỷ đồng.

Liên quan tới các công chức Hải quan, cáo trạng cho rằng, các công chức Nguyễn Phước Tường, Bùi Anh Tuấn thuộc Chi cục Hải quan KV3 được phân công trực tiếp kiểm tra lô hàng. Tuy nhiên, Tường và Tuấn đã không thực hiện kiểm hóa, “Nguyễn Phước Tường là đồng phạm giúp sức cho Hồ Há Chẩy, Tạ Quang Trình thực hiện hành vi buôn lậu” – cáo trạng của VKS khẳng định.

Đáng lưu ý, trong gần một năm từ ngày 30/12/2013 đến 24/12/2014, đối tượng chủ mưu buôn lậu Hồ Há Chẩy đã thông quan trót lọt thêm 58 container hàng hóa khác. Tuy nhiên, do không thu giữ được hàng hóa nên cơ quan điều tra đã không làm rõ được hành vi này của Chẩy.

Cáo trạng của VKS cũng khẳng định, khi bắt được Hồ Há Chẩy sẽ xử lý tội “buôn lậu với vai trò chủ mưu”. Riêng Nguyễn Phước Tường đã chết trong quá trình truy tố, nên VKS đã đình chỉ vụ án đối với Tường.

Liên quan tới bị cáo Phạm Anh Tuấn, Hội đồng xét xử nhận định: “Trong hành vi phạm tội, bị cáo chỉ là chuyên viên 3, làm theo sự phân công của chuyên viên chính là Nguyễn Phước Tường, bị cáo có lý lịch nhân thân tốt, mới phạm tội lần đầu… Hội đồng xét xử xét thấy không cần tách ly nguyên công chức Hải quan này ra khỏi đời sống xã hội”.

Ngoài án tù cho 4 bị cáo, Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc tịch thu công quỷ nhà nước 10 container hàng hóa là tang vật của vụ án, trị giá 26,3 tỷ đồng.