Đề nghị Chính phủ phân tích cụ thể hơn về kết quả toàn diện năm 2018

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn 10 vấn đề về kết quả toàn diện năm 2018.

Đề nghị đánh giá cụ thể hơn 10 vấn đề
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã báo cáo ước thực hiện cả năm 2018 (04 chỉ tiêu đạt và 08 chỉ tiêu vượt mục tiêu). Đến nay, đánh giá lại cơ bản đạt kết quả tốt hơn, đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, tăng thêm 01 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 06 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với kết quả đã báo cáo Quốc hội…
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá cụ thể hơn 10 vấn đề sau: 
Thứ nhất, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 tương đối toàn diện, đề nghị cần phân tích rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan kết quả đạt được năm 2018, những yếu tố tích cực có tính chất đột biến và dài hạn để phục vụ tốt cho công tác điều hành năm 2019 và các năm tiếp theo; đề nghị đánh giá kỹ kết quả, đóng góp của ngành du lịch đối với tăng trưởng kinh tế. Cần tiếp tục đánh giá đầy đủ thực trạng, nguyên nhân chủ quan của 11 nhóm vấn đề hạn chế chủ yếu nêu trong Báo cáo của Chính phủ.
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
Thứ hai, tình hình thu - chi ngân sách nhà nước có chuyển biến tích cực, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2018 còn thiếu tính bền vững, việc tăng thu phụ thuộc nhiều vào các nguồn thu ngắn hạn; chất lượng công tác phân tích dự báo về ngân sách nhà nước còn chậm được cải thiện, số chuyển nguồn vốn đầu tư công khá lớn. Công tác thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, có thể gây khó khăn, bị động trong quá trình tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình. Đề nghị làm rõ tình hình tồn ngân Kho bạc Nhà nước và biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, các biện pháp cơ cấu lại hệ thống quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Thứ ba, số lượng và quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp thành lập mới đều tăng, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, hoạt động hoặc giải thể tăng cao, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn; việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa thực sự hiệu quả; tình trạng chuyển giá, lỗ giả lãi thật, trốn thuế, gây thất thu ngân sách của một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại; cần đánh giá toàn diện chính sách ưu đãi đầu tư với doanh nghiệp FDI từ đó hoàn thiện chính sách về FDI.
Thứ tư, các Bộ, ngành có nhiều nỗ lực rà soát, loại bỏ thủ tục, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, cải cách môi trường kinh doanh nhưng còn chậm, chưa thực chất. 
Thứ năm, các cơ chế, chính sách, pháp luật về khoa học công nghệ tiếp tục được hoàn thiện, tuy nhiên chưa được đồng bộ hóa; chưa có nhiều đột phá, nhất là chính sách về tài chính, thủ tục hành chính để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; việc tăng cường, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề chuyển đổi số, hình thành hạ tầng dữ liệu để tạo thuận lợi phát triển bền vững của nền kinh tế số vẫn chưa được triển khai cụ thể.
Thứ sáu, hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục còn hạn chế, đặc biệt là công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình; nhiều trường hợp trúng tuyển, đỗ thủ khoa các trường đại họcmột cách không thực chất.
Thứ bảy, chất lượng, chi phí và thanh quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ; một số dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao; tình trạng mất cân bằng giới tính chậm được cải thiện.
Thứ tám, chỉ tiêu về lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội và tỷ lệ tăng còn thấp; việc thực hiện các giải pháp để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội chưa được chú trọng và chưa hiệu quả; tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn xảy ra ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Thứ chín, tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em diễn ra nghiêm trọng, nhiều vụ án thương tâm, gây bức xúc và lo lắng trong xã hội. Nhiều vụ trọng án về ma túy đã được triệt phá, tuy nhiên còn nhiều lo ngại về tình hình, diễn biến phức tạp của các vụ án tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy với số lượng lớn.    
Thứ mười, số người chết vì tai nạn giao thôngcòn cao, chỉ giảm 0,4% so với năm 2017; đề nghị tiếp tục làm rõ cách tính, số liệu thống kê để phản ánh đúng thực trạng tai nạn giao thông; công tác quản lý, xử phạt đối với lái xe sử dụng rượu, bia quá mức cho phép, dương tính với ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông còn chưa hiệu quả.
Đề nghị quan tâm 9 nhiệm vụ, giải pháp
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc “bứt phá” để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Bên cạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ và đề nghị quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ các dự án luật trình Quốc hội theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Sớm ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật, trường hợp có vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc thực hiện các luật, sớm báo cáo để Quốc hội xem xét.
Thứ hai, giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng và giao thông. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phối hợp giữa các Bộ, ngành và các cơ quan quản lý. Khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia. Đồng bộ hóa các giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Thứ ba, tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, tránh để xảy ra tình trạng thất thu; kiểm soát chuyển giá, trốn thuế đối với doanh nghiệp; có giải pháp quản lý thuế thực sự hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh qua mạng. Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát, phòng ngừa các hoạt động thanh toán có dấu hiệu đánh bạc, rửa tiền, trốn thuế. Quản lý tồn ngân Kho bạc Nhà nước và có cơ chế sử dụng số vốn nhàn rỗi này. Rà soát, sắp xếp lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Ưu tiên vốn ngân sách nhà nước cho chương trình giảm nghèo và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ tư, tăng cường sự chủ động và phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương trong xử lý nợ xấu; nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Triển khai quyết liệt, đồng bộ để xử lý tình trạng “tín dụng đen” trong đó sớm hoàn thiện chế tài xử phạt, chú trọng các giải pháp phát triển nền tài chính toàn diện tập trung vào tài chính vi mô và tài chính tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao.
Thứ 5, tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ quản lý ngành. Có giải pháp thực hiện mục tiêu cổ phần hóa trong năm 2019, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án điện,phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Thứ 6, quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm về tình hình thời tiết, khí hậu, chủ động xây dựng phương án ứng phó.
Thứu bảy, tiếp tục xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 bảo đảm công khai, minh bạch; tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và đại học năm 2019. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về văn hóa giáo dục, quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách.
Thứ tám, chấn chỉnh công tác quản lý và tăng cường thanh tra, kiểm tra về đất đai và khai thác khoáng sản; bảo đảm an toàn cháy, nổ và kiên quyết xử lý các sai phạm. Xử lý nghiêm các trường hợp lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; sớm hoàn thành và triển khai đồng bộ thu phí tự động không dừng. Xử lý nghiêmcác hành vi quấy rối tình dục, xâm hại trẻ em. Triệt phá các nhóm tội phạm, phòng ngừa tội phạm về ma túy có tổ chức, quy mô lớn.
Thứ chín, tiếp tục rà soát nội dung cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới” và điều ước quốc tế. Sớm điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư phù hợp nhằm thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Bên cạnh các vấn đề nêu trên, trong các tháng đầu năm 2019, các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức nhiều phiên giải trình, đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan quan tâm, nghiên cứu và triển khai các kiến nghị, đề xuất tại các phiên giải trình.