Đề nghị đánh giá tương đương đối với cá da trơn

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/3, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã có công thư chính thức đề nghị Cơ quan thanh tra và An ATTP (FSIS) khởi động quá trình đánh giá tương đương đối với hệ thống kiểm soát sản phẩm cá họ Siluriformes (cá da trơn, trong đó có cá tra, basa, trê, lăng...) của Việt Nam.

Cùng ngày, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng đã có công thư gửi Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ, chuyển hồ sơ tới FSIS. Việc đề nghị đánh giá tương đương được thực hiện theo chương trình thanh tra cá và các sản phẩm cá họ Siluriformes do FSIS ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/3/2016, có thời gian chuyển tiếp đến hết ngày 31/8/2017. Trong thời gian chuyển tiếp, tính đến nay, Việt Nam có 62 cơ sở trong danh sách xuất khẩu các sản phẩm cá họ Siluriformes vào thị trường này.

Theo FSIS, việc đánh giá tương đương về hệ thống kiểm soát của một nước xuất khẩu bao gồm 6 bước: Nước xuất khẩu yêu cầu FSIS đánh giá tương đương; nước xuất khẩu hoàn thiện bản trả lời câu hỏi (SRT - Self-Reporting Tool) và các hồ sơ kèm theo; FSIS yêu cầu bổ sung thông tin, FSIS khẳng định SRT đã hoàn thiện, xem xét đánh giá trên hồ sơ; thanh tra thực tế tại nước xuất khẩu; thông báo dự thảo đánh giá để lấy ý kiến góp ý và công nhận tương đương (bằng một quy định chính thức).

Hiện nay, theo thông tin trên website của FSIS, ngoài Việt Nam đã có 5 nước gồm: Bangladesh, Guyana, Ấn Độ, Nigeria và Thái Lan gửi hồ sơ đề nghị đánh giá tương đương và đều đang ở bước 1 của quy trình đánh giá.

Về thị trường cá tra, theo Bộ NN&PTNT, tại hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng giá sau Tết Nguyên đán do nhu cầu thu mua của các công ty khá lớn trong bối cảnh tồn kho giảm và nguồn cung dự báo thiếu hụt trong cả năm 2017. So với thời điểm cuối tháng Giêng, giá cá tra nguyên liệu loại I (800 gram/con) hiện nay tăng khoảng 2.500 đồng/kg, chạm ngưỡng 25.000 đồng/kg và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng và đẩy giá lên mức trên 25.000 đồng/kg, do giảm sản lượng dẫn đến thiếu nguồn cung.