Đề nghị Bộ Công an điều tra vụ phóng sinh cá chim trắng vào sông Hồng

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ TN&MT vừa có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị điều tra vụ việc phóng sinh sinh vật ngoại lai vào sông Hồng tại bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Theo Bộ TN&MT, qua thông tin của các cơ quan truyền thông, vào ngày 5/2/2017, tại bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, một lượng lớn cá đã được phóng sinh, trong đó có loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Tuy nhiên, thông tin từ các phương tiện thông tin và báo cáo của cơ quan chức năng chưa thống nhất về nguồn gốc, chủng loại, khối lượng cá được phóng sinh. 
Ảnh minh họa
Bộ TN&MT đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai công tác nghiệp vụ để xác định rõ các thông tin liên quan đến vụ việc nêu trên và xử lý theo quy định đối với trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật.

Ngay sau khi có thông tin về việc phóng sinh một lượng cá lớn, trong đó có cá chim trắng (tên khoa học là Colossoma brachypomum) là ngoại lai có nguy cơ xâm hại xuống sông Hồng, Bộ TN&MT đã yêu cầu Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với các cơ quan có liên quan gửi báo cáo chi tiết về vụ việc. Đồng thời, Bộ TN&MT có văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư phối hợp chỉ đạo việc quản lý loài ngoại lai xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại nhằm bảo tồn đa dạng sinh học trên phạm vi toàn quốc.

Cụ thể, đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát danh mục và việc quản lý các loài ngoại lai xâm hại, các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản trong ngành nông, lâm, thủy sản để bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý loài ngoại lai xâm hại. Đồng thời chỉ đạo việc thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát các loài xâm hại, loài có nguy cơ xâm hại trong ngành thủy sản, nông nghiệp, lâm nghiệp.

Bộ TN&MT cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về quản lý các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên địa bàn. Đồng thời tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các tác hại của loài ngoại lai xâm hại đối với môi trường và đa dạng sinh học và không thực hiện các hành vi nuôi, trồng, phát tán, phóng sinh loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trái với quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 52 Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và khoản 6, Điều 7, Thông tư số 53/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý các loài thủy sinh ngoại lai thì việc nuôi, trồng trái phép, phóng thích các loài ngoại lai xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại là trái quy định pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần