Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước kiểm tra vụ giáo sư bị tố "đạo văn"

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện GS Nguyễn Đức Tồn bị tố “đạo văn” đang nóng trên diễn đàn dư luận. Cùng với yêu cầu phải rà soát lại, nhiều người cho rằng Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) nên giao lại việc công nhận GS, PGS về cho các trường.

Ngày 18/5, thông tin với báo chí về việc ông Nguyễn Đức Tồn - thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học (HĐCDGSNNNH), đang công tác tại Viện Ngôn ngữ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam bị tố “đạo văn”, GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký HĐCDGSNN cho biết: Thường trực HĐCDGSNN đã có văn bản đề nghị HĐCDGSNNNH khẩn trương kiểm tra và có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi HĐCDGSNN trước ngày 1/6/2018 để HĐCDGSNN xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Kim Long - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Giáo dục- ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng nên rà soát tất cả các GS, chứ không phải khi có ý kiến về thầy Tồn thì mới làm trường hợp này. “Khi người ta có đơn thư thì mới xem xét, mà tôi thấy khối người bị tố cáo nhưng có xem xét đâu, như thế là không công bằng. Hiện nay, số GS không nhiều, vì thế các hội đồng cần rà soát hết, nếu thấy có vấn đề hãy mạnh dạn cho thôi. Với số lượng PGS đông quá, ai có khiếu nại sẽ rà soát, còn nếu làm người này g bỏ người khác sẽ rất phiền toái”- ông Long đề nghị.
Trước đó, GS Nguyễn Đức Tồn - nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam bị tố cáo đạo nhiều nội dung trong luận văn trong luận án phó tiến sĩ, luận văn, bài viết của học trò do ông hướng dẫn và các đồng nghiệp. Cụ thể, cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)” - NXB ĐHQGHN năm 2002 của ông Nguyễn Đức Tồn bị cho là lấy gần hết nội dung luận án phó tiến sĩ “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên động vật” được bảo vệ năm 1996 của bà Nguyễn Thúy Khanh - nghiên cứu sinh do ông Tồn hướng dẫn.
 
Không chỉ thế, cuốn sách này cũng bị cho là lấy gần hết 96 trang luận văn đại học mang tên “Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt” của sinh viên Cao Thị Thu - chuyên ngành Ngôn ngữ học, khóa 1991 - 1995.
Cuốn sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy học tiếng Việt ở bậc THCS” - NXB ĐHQGHN của GS Nguyễn Đức Tồn đưa gần hết nội dung bài báo “Dạy từ láy cho học sinh THCS” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà” được đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ, năm 2001 khi ông Tồn làm Tổng biên tập.
Trong cuốn sách này, GS Nguyễn Đức Tồn chú thích, bài viết có sự cộng tác của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà, nhưng trên tạp chí Ngôn ngữ không có tên ông trong bài bài đó. Trả lời báo chí vào năm 2007, ông Tồn cho biết mình là người hướng dẫn các bài viết cho nghiên cứu sinh, sinh viên theo tư tưởng khoa học, lý luận và phương pháp nghiên cứu được lấy từ luận án tiến sĩ “Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa các tên gọi bộ phận cơ thể người” của ông được bảo vệ tại Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1988.
GS Tồn cho rằng, khi sử dụng các công trình nghiên cứu của nghiên cứu sinh và sinh viên, ông đều ghi chú nguồn và tác giả, nên không thể bị quy kết “đạo văn”. Và, sự việc này đã được HĐCDGSNNNH xem xét và kết luận từ năm 2006 - 2007 ông trong sạch nên mới được công nhận GS.
Tuy nhiên, việc sao chép luận án nghiên cứu sinh, luận văn, bài báo của ông Nguyễn Đức Tồn đã được phát hiện nên năm 2002 và 2006 hồ sơ công nhận chức danh GS của ông không được thông. Nhưng đến năm 2009, HĐCDGSNNNH chuyển sang nhiệm kỳ mới, hồ sơ của ông Nguyễn Đức Tồn đã được các thành viên thông qua công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS.
Chia sẻ trên các báo, GS Trần Ngọc Thêm - Chủ tịch HĐCDGSNNNH khẳng định, ông Nguyễn Đức Tồn đã “đạo văn” của học trò. Điều này đã trở thành căn bệnh trầm kha cần phải tước bỏ tận gốc. Trong khi đó, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, đây chính là sản phẩm của cơ chế công nhận chức danh GS, PGS hiện nay.
“Lâu nay tôi đã nói là phải trả việc công nhận chức danh GS, PGS về cho trường ĐH. Khi ấy các trường dựa trên tiêu chuẩn khung về GS, PGS do nhà nước đưa ra để xem xét, công nhận GS, PGS. Tất nhiên, nhà trường công nhận thì sẽ phải trả chế độ cho GS, PGS chứ không phải nhà nước phải như hiện nay” - ông Khuyến cho hay.
Theo ông Khuyến, vừa rồi do có chỉ đạo của Thủ tướng thì các hội đồng mới tổ chức rà soát và có hơn 100 trường hợp không được công nhận chức danh GS, PGS. Những trường hợp không có đơn thư tố cáo đã được “bỏ qua” nhưng chắc gì trong số ấy đã có người đủ tiêu chuẩn.
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cũng chỉ ra thực tế “đạo văn” vẫn diễn ra lâu nay. Có những công trình nghiên cứu do học trò làm nhưng sản phẩm hoàn thiện thì lại có tên ông thầy. Vì thế, rất cần phải giao lại việc công nhận chức danh GS, PGS về cho nhà trường. Và, chỉ những giảng viên thuộc biên chế của nhà trường mới được tham gia làm hồ sơ công nhận chức danh GS, PGS. Khi đó, HĐCDGSNN trở thành tổ chức tư vấn giúp nhà nước định ra các tiêu chuẩn tối thiểu để các trường căn cứ vào đó thực hiện.