Đề nghị tham gia Thế vận hội của Triều Tiên là động thái có tính toán

Lan Hương (Theo Strait Times)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia nhận định, động cơ của đề nghị đàm phán có thể là nhằm kéo thời gian để Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân.

Hàn Quốc, nóng lòng cải thiện quan hệ với Triều Tiên sau một năm căng thẳng, đã rất nhanh chóng đề xuất thời gian cho các cuộc đàm phán về việc Bình Nhưỡng sẽ tham dự thế vận hội mùa đông.
 Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng, động cơ đằng sau lời đề nghị này có thể là nhằm chen vào giữa Hàn Quốc và đồng minh an ninh Mỹ. Ngoài ra, một động cơ khác có thể là kéo thời gian để Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của mình.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong bài phát biểu nhân dịp năm mới đã tuyên bố, sẵn sàng cử một đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông tổ chức ở Hàn Quốc. Đồng thời cho biết thêm, hai bên có thể gặp khẩn cấp để đàm phán. Đây là phản hồi đầu tiên của lãnh đạo Triều Tiên với lời mời tham dự Thế vận hội mùa đông của Seoul, dấy lên hy vọng hòa giải.
Tuy nhiên, cũng trong bài phát biểu, lãnh đạo Triều Tiên vẫn cảnh báo Mỹ về khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng
Cách tiếp cận 2 mặt này là một động thái thông minh có chủ đích, TS Graham Ong-Webb, chuyên gia tại trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam nhận định.
Cử một đoàn vận động viên tham gia Thế vận hội mùa đông và tham gia đàm phán với Seoul sẽ giảm bớt căng thẳng, đồng thời cho phép Bình Nhưỡng có thêm thời gian để tiến hành thử hạt nhân, ông Graham cho hay. Mặt khác, nếu Washington có thái độ cứng rắn, Bình Nhưỡng sẽ có cớ để dễ dàng đổ lỗi cho Mỹ về các vụ thử tên lửa tiếp theo.
Bên cạnh đó, mặc dù Triều Tiên tuyên bố chương trình hạt nhân của họ đã hoàn tất, các chuyên gia nhận định, nước này vẫn chưa nắm được các công nghệ quan trọng, bao gồm việc tái nhập vào khí quyển và kích hoạt đầu đạn hạt nhân. Điều này có nghĩa là, Bình Nhưỡng chưa thể phát triển một tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công lục địa Mỹ và sẽ phải tiếp tục các thử nghiệm bí mật.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Seoul chấp nhận lời đề nghị của Bình Nhưỡng quá dễ dàng có thể đặt nước này vào tình thế khó xử nếu Mỹ và Nhật Bản phản đối lập trường của Hàn Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga có thể sẽ thúc đẩy hòa giải.
Tiến sĩ Cheong Seong Chang của Học viện Sejong cảnh báo về những khó khăn phía trước, chẳng hạn như Triều Tiên có thể yêu cầu ngừng các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Hàn Quốc sẽ phải xem xét làm thế nào để cân bằng việc giải quyết vấn đề hạt nhân nhưng vẫn cải thiện mối quan hệ liên Triều, Tiến sĩ Cheong Seong Chang nói.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần