Để người thầy bớt lo toan

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để các thế hệ học trò và toàn xã hội tri ân những "người lái đò" truyền đạt tri thức và đạo làm người cho bao lớp lớp học trò.

 Nhiều thầy, cô giáo đã được tôn vinh nhân dịp này, đó là những tấm gương tiêu biểu của ngành vượt mọi khó khăn để truyền tải kiến thức cho học sinh. Ngoài ra, trên khắp đất nước, còn biết bao thế hệ thầy, cô giáo vẫn lặng thầm hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Họ không quản ngại gian truân, vất vả, vượt qua mọi khó khăn để miệt mài truyền chữ, dạy học.
Hình ảnh những thầy, cô giáo trèo đèo, lội suối đến trường, những nhà giáo phải lo từng bữa ăn, làm thêm bất cứ việc gì, từ nuôi lợn, nuôi gà, chăn vịt, chạy xe ôm, thậm chí nhặt rác, làm giúp việc để cải thiện cuộc sống không khỏi khiến nhiều người chạnh lòng. Và, biết bao tấm gương thầy, cô dành tiền lương hàng tháng để giúp đỡ học trò nghèo, dạy thêm miễn phí, đưa các em đến trường mỗi ngày, cứu các em khỏi những cạm bẫy đời thường… Dẫu muôn vàn gian khó, song đa số những người làm thầy vẫn kiên định về phẩm chất đạo đức, nói không với tiêu cực.

Nghề giáo vốn là nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, nhưng còn đó nhiều trăn trở. Đồng lương bèo bọt, không đủ sống, trải qua thời gian dài, đến nay vẫn chưa có bước chuyển biến tích cực. Hàng nghìn giáo viên mầm non về hưu chỉ nhận mức lương dưới 1,3 triệu đồng, nhiều giáo viên phải bỏ ngành. Đây cũng là nguyên nhân khiến nghề giáo đang mất dần người tài, điểm đầu vào trường sư phạm thấp đến mức khó chấp nhận, nhiều trường không thể tuyển sinh, nguy cơ đóng cửa.

Trong cái khó của ngành giáo dục, bên cạnh nỗ lực của bao thế hệ nhà giáo mẫu mực, đâu đó vẫn còn hiện tượng tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh người thầy. Không thể biện minh cho cái nghèo, cái khó làm suy thoái đạo đức người thầy, nhưng khó đòi hỏi người thầy chuyên tâm lo bài dạy, toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp giáo dục, khi nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn còn đeo đẳng.

Những hoài nghi và sự đòi hỏi về nghề giáo ngày càng lớn, trong khi sự thấu hiểu, sẻ chia ngày càng ít đi, niềm tin về nghề đôi khi thật mong manh. Nhưng dù dòng chảy giáo dục ra sao, thì những người làm thầy chân chính, niềm đam mê, sáng tạo của họ vẫn sẽ tiếp bước, đưa giáo dục Việt Nam sang trang mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần