Để thanh niên không bị cuốn sâu vào “sống ảo”

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mạng xã hội đang khiến cho một bộ phận không nhỏ giới trẻ quên đi cuộc sống thật của mình, đi tìm thú vui qua những dòng bình luận trong thế giới ảo.

Chiều 13/7, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú đã có buổi đối thoại với đại diện đoàn viên thanh niên trên địa bàn năm 2017.

Tại buổi đối thoại, trên 20 ý kiến của cán bộ, đoàn viên thanh niên các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Trong đó nổi bật là các vấn đề hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, khởi nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, chế độ chính sách và đầu ra cho cán bộ Đoàn, nhu cầu điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí cho giới trẻ…
 Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú đối thoại với thanh niên địa phương
Một vấn đề rất thời sự được đại diện thanh niên huyện Phúc Thọ đề cập đến là việc sử dụng mạng xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến. Trong khi đó, thông tin trên mạng xã hội hết sức đa chiều, nhiều thông tin không chính xác, thậm chí bị xuyên tạc, lợi dụng nhưng lại được chia sẻ, lan toả rất mạnh mẽ, ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng và nhận thức của giới trẻ. 

Trước vân đề trên, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú chia sẻ, chưa bao giờ mạng xã hội lại trở thành một công cụ truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng như hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực thì có một mối lo ngại và biểu hiện thiếu văn hóa, lệch chuẩn của một bộ phận giới trẻ. Một điều khiến nhiều người lo ngại nhất nữa là một bộ phận không nhỏ giới trẻ dường như đang bị cuốn sâu vào mạng xã hội mà quên đi cuộc sống thật của mình, đi tìm thú vui qua những dòng bình luận, thích thú khi được nhiều người chia sẻ mà sẵn sàng đánh đổi cả nhân phẩm, danh dự, thậm chí cả mạng sống của mình gây nhiều phiền toái cho xã hội.

Theo ông Phú, để ngăn chặn mặt trái của mạng xã hội, trước hết, thanh niên là lực lượng thông thạo, sử dụng và truy cập mạng internet nhiều nhất trong xã hội, vậy yêu cầu đặt ra là chính thanh niên, tổ chức Đoàn phải là người thông thái ở lĩnh vực này để biết và tuyên truyền tốt việc truy cập cái gì là tốt hay xấu. Về trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến tới thanh niên, đoàn viên, nhất là thiếu niên có nhận thức đúng đắn về lợi ích cũng như những tác động xấu của thông tin trên internet, mạng xã hội để sử dụng, lựa chọn, khai thác thông tin trên các trang blog, mạng xã hội đúng quy định của pháp luật và phù hợp với xu thế trong giai đoạn hiện nay. 

Các nhà trường cần chủ động tích cực tuyên truyền cho thế hệ trẻ thấy rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực, tác động do âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống đối và các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội. 

 Đại diện thanh niên huyện Phúc Thọ gửi gắm tâm tư, nguyện vọng tới lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ huyện.

Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường quản lý, nắm chắc hơn nữa tình hình việc sử dụng, hoạt động trên internet nói chung cũng như tham gia mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị, cá nhân nói riêng. Qua đó kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý, ngăn chặn những hành vi phát tán các thông tin, hình ảnh… có nội dung tiêu cực, phản cảm. Đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ internet. Lãnh đạo huyện Phúc Thọ cũng chỉ đạo phòng Văn hóa - Thông tin, Phòng Tư pháp và Công an huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng các sản phẩm văn hóa độc hại, nhất là các thông tin trên mạng xã hội trong một bộ phận thanh, thiếu niên trên địa bàn huyện. 
Trả lời về tình trạng thiếu điểm vui chơi, giải trí, điểm sinh hoạt của Đoàn viên thanh niên, lãnh đạo huyện Phúc Thọ cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện đã có nhà văn hoá, sân vận động trung tâm, nhà thi đấu thể thao cấp huyện, 146 nhà văn hoá, nhà hội họp cụm dân cư. Trong đó có sân cầu lông, bóng bàn, 19/23 sân vận động xã, là nơi sinh hoạt văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí cho tất cả các đối tượng trong đó có đối tượng là thanh thiếu niên.

Đến nay toàn huyện có 20/22 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, còn 2 xã Xuân Phú, Thượng Cốc đang làm hồ sơ đề nghị TP về kiểm tra công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2017. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới có tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa. Tuy nhiên còn một số xã, thôn làng cơ sở vật chất chưa đáp ứng tiêu chí này theo quy định của Bộ VHTT&DL. Hiện nay, huyện Phúc Thọ đang chỉ đạo tiếp tục bổ sung vào quy hoạch và xây dựng trong thời gian tới đáp ứng yêu cầu phục vụ nhu cầu vui chơi cho trẻ em và sinh hoạt cộng đồng dân cư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần