Đề thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia năm 2018: Nhiều thí sinh khóc vì bị “lệch tủ”

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưa 25/6, trên 925.000 thí sinh đã kết thúc môn thi Ngữ văn của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế&Đô thị tại các điểm thi, nhiều thí sinh không hài lòng với kết quả làm bài của mình không như mong đợi, thậm chí nhiều em ngỡ ngàng khi tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” xuất hiện trong đề thi.
Nhiều thí sinh kết thúc làm bài thi môn Ngữ văn tại điểm trường THPT Chu Văn An cho rằng đề không trúng tủ
Thí sinh Trần Vũ Minh Tâm –Học sinh trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) thi tại điểm trường này đã khóc nức nở ngay khi bước ra khỏi cổng trường. Trước ngày thi, chúng em dự đoán hai tác phẩm sẽ có trong phần Làm văn là “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. Thực tế, trên mạng xã hội mấy ngày gần đây cũng đồn đoán hai tác phẩm này. Thế nhưng, khi nhận và đọc đề lại là “Chiếc thuyền ngoài xa”của nhà văn Nguyễn Minh Châu và “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam khiến nhiều bạn bị sốc.

“Kết quả làm bài của em không như mong đợi. Đây là năm đầu tiên, chúng em làm bài thi nhưng không có trích dẫn tác phẩm nên đã bị rối. Và hai tác phẩm trong đề thi (Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ) đều không có trích dẫn thì em càng hoang mang hơn. Trước đó, khi thi thử, bọn em được trích xuất tác phẩm văn xuôi 5 -6 dòng nên có thể bám vào đó để làm, nếu như không nhớ chi tiết. Vì thế, em không xác định được dẫn chứng một cách toàn diện mà chỉ nhớ được cái khung” – Minh Tâm sụt sịt khóc.

Với câu 1 (2 điểm), phần Làm văn yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực của đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay. Với câu hỏi này, nhiều thí sinh thi ở điểm trường THPT Chu Văn An cho rằng vĩ mô. Nhưng Minh Tâm lại cho nghĩ phù hợp với thực tế hiện nay với giới trẻ. “Nếu mình học giỏi và theo dõi thời sự thì vấn đề này không lạ. Có nhiều cách đề nói về đánh thức thức tiềm lực đất nước trong mỗi cá nhân. Theo em, mình phải học tập, trau dồi bản thân, rèn luyện nhân cách để khai thác và sử dụng tiềm lực một cách hiệu quả nhất để đất nước mới phát triển được”.

Nhận xét về đề thi Ngữ văn năm nay, thí sinh Hoàng Võ Huyền Anh thi tại điểm trường THPT chuyên Nguyễn Huệ -Hà Đông cho biết, đa phần các bạn đều không ai nghĩ đề lấy tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu so sánh với tác phẩm "Hai đứa trẻ" của nhà văn Thạch Lam. Bởi thường, các bạn chỉ nghĩ “"Chiếc thuyền ngoài xa" so sánh được với tác phẩm "Vợ nhặt"của Kim Lân hay “Chí Phèo” của Nam Cao. Bởi, ở những tác phẩm đó đều tiềm tàng vẻ đẹp của những người phụ nữ trước hoàn cảnh xã hội.

Với đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia 2018 này, nhiều thí sinh khác nhận xét đề thi không khó, nhưng hơi dài, được chia làm 3 phần rõ nét. Cách ra đề kiểu mới so sánh hai tác phẩm khiến nhiều bạn bỡ ngỡ. Đặc biệt, với việc xuất hiện câu hỏi nghị luận xã hội “Trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay” khiến không ít bạn làm bài lệch hướng.