Đề thi Ngữ văn: Thách thức khả năng liên kết trong từng tác phẩm?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đề thi Ngữ văn có những đổi mới, điều chỉnh, không tạo ra lối mòn nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về cách đặt vấn đề trong nội dung đề thi” – giáo viên tổ Ngữ văn – Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định về đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia năm 2018.

Phần 1, Đọc hiểu (3 điểm) đưa ra một vấn đề trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” – một đoạn thơ từ thập kỷ 80 không chỉ giữ được tính thời sự mà còn có thể “chạm tới” những trăn trở suy ngẫm của con người thời hiện đại với tiềm lực và thực tế phát triển của đất nước.
Sang Phần 2, Làm văn, vấn đề nghị luận ở câu 1 có quan hệ hữu cơ chặt chẽ với chủ đề của ngữ liệu Đọc hiểu. Thay vì chủ đề “đánh thức tiềm lực” hướng tới cộng đồng thì đề bài đặt ra vấn đề sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay.
 Nhiều thí sinh cho rằng đề thi Ngữ văn có cấu trúc giống đề thi minh họa nhưng có nhiều yếu tố bất ngờ
Trong khi đó, câu 2 phần Làm văn lại đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu và Hai đứa trẻ - Thạch Lam giúp thể hiện được những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật, đem đến giá trị nhân văn sâu sắc cho tác phẩm. Tuy nhiên, giáo viên tổ Ngữ văn – Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, cách diễn đạt vấn đề nghị luận lại vi phạm vào tiêu chí logic khi các hình ảnh đối lập trong cả hai tác phẩm đều không đặt cùng trên một hệ quy chiếu: khi tạo ra mối quan hệ so sánh giữa chiếc thuyền và gia đình hàng chài; giữa phố huyện và đoàn tàu… Sự thiếu logic đó sẽ làm giảm tính mạch lạc, tính hệ thống trong việc triển khai các luận điểm bài làm của học trò.

Nhưng theo quan điểm của cô Phan Huyền Trang – Giáo viên dạy Ngữ văn tại một trung tâm ở Hà Nội, cách ra đề Ngữ văn giúp thí sinh dễ dàng phân tách theo từng ý. Đồng thời cũng là một sự “thách thức” khả năng liên kết đề và tìm ra những điểm chung, điểm riêng trong từng tác phẩm hay vấn đề đang được bàn luận.

“Khi đọc đề và làm bài, học sinh sẽ nhận ra được điểm giao nhau trong hai tác phẩm, điều mà trước giờ nhiều học sinh chưa bao giờ nghĩ tới” – cô Trang nhận định.

Đi sâu vào câu 1 của phần Làm văn, cô Phạm Thị Thu Phương – giáo viên Ngữ văn Trung tâm Tuyển sinh 247 nhận xét: Vấn đề đánh thức tiềm lực đất nước khá gần gũi và thiết thực với học sinh, khơi gợi được trách nhiệm xã hội của người viết. Tuy nhiên, để làm được câu này, học sinh cần có những hiểu biết sâu rộng, biết kết hợp các thao tác để tạo lập văn bản. Câu hai của phần Làm văn yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học. Phần liên hệ với tác phẩm lớp 11 khá cơ bản, không đánh đố học sinh nhưng cũng không dễ. Qua đó tạo nên sự phân hóa khá rõ đối với người làm bài.

“Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn phải thực sự hiểu được nội dung ý nghĩa của mỗi tác phẩm, đặc điểm phong cách nghệ thuật của mỗi tác giả và cả yếu tố thời đại chi phối đến tác phẩm. Bởi tác phẩm Hai đứa trẻ ra đời vào thời điểm trước cách mạng 1945, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa ra đời vào đêm trước của thời kỳ đổi mới 1986 “ – cô Thu Phương khẳng định.

Nhận xét chung về cấu trúc đề Ngữ văn, nhiều giáo viên cho rằng đã bám sát với đề minh họa của Bộ GD(ĐT công bố, bao gồm cả kiến thức lớp 11 (30%) và 12 (70%). Phổ điểm sẽ ở mức 6, 7. Số học sinh đạt điểm 8 trở lên sẽ không nhiều như năm 2017.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần