Đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Câu hỏi nhẹ nhàng, phân hóa yếu

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ đề thi tham khảo Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 do Bộ GD&ĐT công bố chưa có sự phân hóa mạnh, số câu hỏi vận dụng không nhiều, nội dung không đánh đố học sinh (HS).

 Thi sinh trao đổi bài tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Ảnh: Trần Dũng
Đề Toán sẽ có nhiều điểm 9, 10
Đề thi tham khảo Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 có cấu trúc 60% câu hỏi cơ bản và 40% nâng cao. Nội dung các đề thi đa số tập trung ở chương trình lớp 12 với tỷ lệ 90% và 10% lớp 10, 11.

Đối với môn Toán, đề có 50 câu hỏi, thời gian làm bài 90 phút. Trực tiếp giải đề môn Toán, thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán, trường THPT Lương Thế Vinh cảm nhận: Đề minh họa tương tự đề thi năm 2017, khá nhẹ nhàng và phân hóa yếu. 30 câu đầu (6 điểm) đơn giản, tính toán nhẹ nhàng, HS trung bình có thể làm được. 20 câu tiếp theo (4 điểm) có sự phân hóa nhưng không đều, những câu ở phần sau lại dễ (câu 43, 45, 48), đáng lẽ phải thiết kế theo hướng dễ trước khó sau.
Sự lặp lại của kiểu cấu trúc trong nhiều năm sẽ đem lại cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho HS khi làm bài, sự lười biếng cho người thầy đi dạy, luyện thi.

TS Trịnh Thu Tuyết - Nguyên giáo viên Ngữ văn, trường THPT Chu Văn An
Một số câu có tính phân hóa mạnh nhưng chỉ nặng về tính toán (câu 41, 46). Câu 49, 50 phân hóa mạnh nhưng không sâu, không tinh tế. “Đề không sâu sắc, thuần túy tính toán, ít câu ứng dụng thực tế, chỉ có 2 câu (44, 46) nhưng chỉ áp dụng công thức có sẵn. Phổ điểm đề thi môn Toán tương tự năm 2017, HS trung bình đạt 5 – 6 điểm, HS khá 6 – 7 điểm, giỏi 8 – 9 điểm và sẽ có nhiều điểm 9, 10. Đề phù hợp để xét tốt nghiệp THPT nhưng lại chưa hỗ trợ tốt các trường đại học xét tuyển” – thầy Tùng nhận định.

Trong khi đó, nhóm giáo viên tổ Toán thuộc Hệ thống HOCMAI phân tích, đề tham khảo môn Toán có số câu hỏi cấp độ thông hiểu tăng 10% nhưng vận dụng cao giảm 10% so với đề năm 2018. Cụ thể, đề minh họa có 30% câu hỏi nhận biết, 30% thông hiểu, 20% vận dụng và 20% vận dụng cao. Đề không có nhiều câu hỏi thuộc kiến thức lớp 10 nhưng có những bài toán cần HS phải vận dụng kiến thức lớp 10 mới làm được. Với đề minh họa môn Toán, các giáo viên nhắn nhủ HS cần học chắc kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng tính toán. Đồng thời, tập trung ôn tất cả các nội dung của môn Toán lớp 12 và quan tâm đến những phần quan trọng của lớp 10. Trong quá trình ôn thi, HS tránh sa đà vào các bài quá dài, quá khó và nên tích cực làm các bài thi thử để đánh giá bản thân.

Đề Ngữ văn không đánh đố học sinh

So với đề thi THPT Quốc gia năm 2018, đề tham khảo môn Ngữ văn không có bất kỳ sự thay đổi nào về cấu trúc và thời gian thi. Theo đó, phần Đọc hiểu 3 điểm, Làm văn 7 điểm với câu Nghị luận xã hội (2 điểm), Nghị luận văn học (5 điểm). TS Trịnh Thu Tuyết – nguyên giáo viên Ngữ văn, trường THPT Chu Văn An nhận định, nội dung các câu hỏi trong phần 1 và 2 khá quen thuộc, không làm khó HS. Dung lượng và tính chất các câu hỏi của hai phần gần như trùng nhau với những yêu cầu kiểm tra kiến thức Văn học/Tiếng Việt/Làm văn.

Đi sâu vào phân tích đề minh họa, tổ giáo viên dạy Văn, Hệ thống HOCMAI cho rằng, trong trường hợp đề thi thật vẫn giữ nguyên cách ra đề như đề tham khảo, HS không cần phải quá tập trung học các kiến thức tiếng Việt. Ở phần Làm văn, yêu cầu viết đoạn văn vẫn giữ nguyên cách hỏi và hình thức thể hiện giống như đề thi THPT Quốc gia năm 2018. HS phải viết một đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ về một vấn đề được trích ra trong phần ngữ liệu Đọc hiểu. Do vậy, để có thể làm tốt câu hỏi này, HS cần nắm chắc ngữ liệu phía trên. Đáng chú ý, câu Nghị luận văn học, theo như thông báo của Bộ GD&ĐT là sẽ kiểm tra kiến thức THPT, tập trung cơ bản lớp 12. Nhưng đề thi tham khảo chỉ gói gọn trong phần kiến thức lớp 12. Vì thế, vấn đề đặt ra với HS lớp 12 năm nay là đề tham khảo có giá trị định hướng cho Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 hay chỉ có tính chất “tham khảo”? Bộ GD&ĐT nên có phản hồi về việc này. Bởi với sự thay đổi giới hạn kiến thức câu Nghị luận văn học chỉ có trong chương trình lớp 12 sẽ chi phối rất lớn cách dạy, học và ôn luyện.