Đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020: Không dễ lấy điểm cao

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo của 5 bài thi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020. Nhận định của các giáo viên, những kiến thức và kỹ năng trong đề thi tham khảo không vượt ra ngoài khung chương trình Bộ GD&&ĐT đã điều chỉnh theo hướng tinh giản nhưng không dễ lấy điểm cao.

Nhiều câu hỏi mang tính phân loại
Đề thi tham khảo Ngữ văn có cấu trúc vẫn gồm 2 phần là Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm), như đề chính thức năm 2019. Theo nhận xét của giáo viên Tổ Ngữ văn – Hệ thống giáo dục HOCMAI, câu hỏi phần Đọc hiểu có ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa (SGK) cùng 4 câu hỏi đọc hiểu theo các mức độ nhận biết/thông hiểu/vận dụng và vận dụng cao.
 Học sinh lớp 12 học trực tuyến trong những ngày nghỉ học do dịch Covid-19. Ảnh: Ngọc Dương
Với phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội 2 điểm yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận là vấn đề có quan hệ hữu cơ với nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu. Câu Nghị luận văn học yêu cầu nêu cảm nhận về nhân vật Mị trong đêm mùa Xuân ở Hồng Ngài (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài), là phần kiến thức trong chương trình học kỳ II lớp 12; là đơn vị kiến thức nhỏ, phù hợp với dung lượng bài 5 điểm trong thời lượng đề 120 phút. Đề Ngữ văn có những dạng câu hỏi quen thuộc với học trò mấy năm nay. Vì thế, các giáo viên Văn cho rằng, nếu đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 bám sát mô hình đề thi tham khảo, học sinh sẽ rất thuận lợi về tâm thế cũng như kiến thức, kỹ năng đã được ôn luyện.
Trong khi đó, đề thi tham khảo môn Toán cũng bám sát tinh thần tinh giản của Bộ GD&ĐT, vẫn bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ đã công bố. Trong đó, 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình kỳ I của lớp 12; 10% số câu hỏi (5 câu) chương trình lớp 11.
Số lượng câu hỏi ở kiến thức học kỳ II lớp 12 giảm đi đáng kể. Đề thi tham khảo Toán có khoảng 35 câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chiếm 70%; 15 câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao (30%). Mặc dù đề tham khảo không xuất hiện các câu hỏi quá khó nhưng để lấy được điểm cao không dễ dàng.
Nhận định của Tổ giáo viên dạy Toán HOCMAI, mặc dù Bộ GD&ĐT đã tinh giản, giảm tải cho HS về mặt kiến thức, song đề tham khảo vẫn có nhiều những câu hỏi mang tính phân loại. HS phải có khả năng tổng hợp kiến thức qua thời gian ôn tập một cách bài bản, khoa học và nghiêm túc mới có thể xử lý tốt và không bị mất điểm.
Chú ý ôn luyện kỹ
Đề thi tham khảo môn tiếng Anh được cho là nhẹ nhàng hơn so với đề thi chính thức năm 2019. Đề vẫn có 50 câu hỏi, nội dung thuộc chương trình lớp 11 và 12, trong đó tập trung chủ yếu vào lớp 12 (90%).
Ngoài các dạng bài vẫn giữ nguyên như đề chính thức năm trước, một số chủ điểm ngữ pháp cũng không thay đổi, ví dụ như câu điều kiện, thì của động từ, câu tường thuật, đảo ngữ, so sánh, động từ khuyết thiếu, đại từ quan hệ, mệnh đề rút gọn, trạng từ liên kết, phân biệt cách sử dụng của liên từ và giới từ có cùng nghĩa.
Dạng câu ước và câu bị động đã được loại bỏ, thay vào đó là các chủ điểm ngữ pháp, như câu hỏi đuôi, sự hòa hợp chủ - vị, cấu trúc song hành. Từ nhận xét này, cô Hoàng Xuân – giáo viên Tuyensinh247.com lưu ý học sinh cần ôn kỹ hơn các chủ điểm ngữ pháp.
Để đạt được số điểm mong muốn với bài thi chính thức môn tiếng Anh, theo cô Hoàng Xuân, với dạng câu hỏi ngữ âm, học sinh cần chú ý ôn luyện thật kỹ cách đọc đuôi –s/-es; cách phát âm của các nguyên âm đơn và nguyên âm đôi và tập đọc những từ quen thuộc trong SGK. Với dạng câu hỏi trọng âm, học sinh cần học nguyên tắc trọng âm từ, đặc biệt là từ có 2 và 3 âm tiết. Còn dạng câu hỏi ngữ pháp, HS chú trọng ôn tập các chủ điểm ngữ pháp. Đối với dạng câu hỏi từ vựng ở mức độ căn bản, HS dành thời gian học sự kết hợp từ, cụm động từ.
Ngoài ra, HS nên rèn luyện khả năng suy đoán nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh và linh hoạt trong quá trình làm bài với phương pháp loại để có thể giải quyết các câu hỏi từ vựng trong dạng bài đồng nghĩa/trái nghĩa và câu hỏi từ vựng trong bài đọc hiểu. Đối với dạng bài đọc hiểu, HS phải rèn luyện kỹ năng đọc tìm ý chính, đọc lướt tìm thông tin chi tiết và học cách xử lý với từng dạng câu hỏi khác nhau. HS cũng cần thực hành đọc nhiều để nâng cao kỹ năng làm bài.
Ngay từ bây giờ, HS lớp 12 cần xây dựng kế hoạch học ôn một cách nghiêm túc cũng như luyện làm các đề thi để rèn kỹ năng nhằm đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia 2020 sắp tới.

"Khi xây dựng đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, chúng tôi đã phải tính toán, làm sao để phù hợp với nội dung chương trình được Bộ GD&ĐT giảm tải. Đề thi đảm bảo không gây sốc, không làm khó cho thí sinh." - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh